Thứ bảy, 20/04/2024 12:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/04/2021 13:46 (GMT+7)

Tái sử dụng tro xỉ than để bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Bên cạnh những lợi ích nhất định trong việc đảm bảo nguồn năng lượng cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiệt điện than cũng đang trở thành mối nguy hại lớn với ô nhiễm môi trường từ việc phát thải của các nhà máy.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, chiếm 65% của cả nước.

Trong số này, lượng tro xỉ phát thải từ 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 6 nhà máy với lượng tro xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải. 

Theo ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, các nhà máy điện than hiện nay đang hoạt động với tổng công suất 18.000MW, thải ra mỗi năm khoảng 16 - 17 triệu tấn tro, xỉ. Theo Bộ TN&MT, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và cứ mỗi năm lại thêm khoảng 32 triệu tấn tro xỉ nữa. 

Ông Sính cũng nhấn mạnh, nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 m thì Việt Nam sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ và mỗi năm thêm 5 km2.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hiện nay, vấn đề quản lý, thu gom và xử lý xỉ than chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng xả đổ xỉ than ra môi trường, vận chuyển không đúng cách gây ô nhiễm bụi, chưa kể những sự cố tràn nước từ bãi xỉ ra ngoài vẫn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, ở nhiều nơi, sản xuất và môi trường sống cũng bị ảnh hưởng từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.

Tái sử dụng tro xỉ than để bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là mối lo ngại của nhiều quốc gia. (Ảnh: GreenID)

Các nhà máy nhiệt điện than có thể gây ô nhiễm môi trường đất nếu như xỉ than, nước thải có nhiều kim loại nặng độc hại và lẫn nhiều dầu nhiễm vào đất trồng. Ước tính, một nhà máy nhiệt điện than công suất 2000 MW có thể sinh ra 2000 tấn tro bay/ngày, thường ở dạng nghiền thành bột mịn (PFA). Theo ước tính, năm 2020 lượng tro bay thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than lên tới 10,58 triệu tấn, con số này ngày càng tăng nhanh theo thời gian.

Theo nghiên cứu khoa học, bột mịn PFA có thể chứa các nguyên tố phóng xạ, phổ biến là các nucleic phóng xạ ở mức thấp. Tro bay có thể gây ô nhiễm các nguồn nước, ô nhiễm không khí sinh ra các bệnh về phổi. Ngoài ra, trong tro còn chứa các nguyên tố có thể sinh ung thư như polycyclic hydrocarbon…

Bên cạnh đó, nguồn nước cũng có nguy cơ bị các nhà máy nhiệt điện than làm cho ô nhiễm. Trong nước thải công nghiệp có nước thải tro, xỉ, nước xử lý hóa chất và nhiên liệu, nước làm mát thiết bị. Tro xỉ từ các lò hơi có công nghệ thải xỉ ướt thường được đập nhỏ rồi bơm tới các hồ chứa xỉ. Nước thải tro lắng trong tại các hồ chứa có thể được bơm ngược lại trạm bơm thải xỉ để sử dụng lại hoặc được thải ra môi trường. Mặc dù được lắng trong nhưng nước thải vẫn còn những thành phần rắn lơ lửng, nhiều chất hóa học hòa tan có hại cho sức khỏe con người và sinh vật.

Trao đổi với báo Pháp Luật, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) cho rằng, có nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường. Tro xỉ có chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Do đó, tại Thông tư 36/2015, Bộ TN&MT đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại với môi trường.

Biến tro xỉ thành vật liệu xây dựng

Với lượng tro xỉ khổng lồ từ các nhà máy nhiệt điện than, có thể coi chúng là đầu vào của ngành vật liệu xây dựng như làm phụ gia khai khoáng cho xi măng, gạch không nung, bê tông, tấm thạch cao xây dựng thay thế một phần clinke, xi măng, đất sét…

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, lượng tiêu thụ chưa cân bằng với lượng phát thải, tổng khối lượng tro, xỉ, thạch cao lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy hiện còn rất lớn và vẫn tiếp tục tăng cao; nhiều bãi thải chỉ còn khả năng lưu chứa trong một vài năm tới.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu các ứng dụng mới đối với sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện trong xây dựng đường. Tiêu biểu tại Pháp, có đến 99% lượng tro xỉ than thải ra được tái sử dụng. Còn ở Nhật Bản, con số này là 80%, tại Hàn Quốc là 85%. Ở nhiều nước khác, tro bay chủ yếu được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Sản xuất gạch từ nguyên liệu này tiết kiệm năng lượng đến hơn 85% so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét.

Tại Mỹ, tro bay được sử dụng như một chất phụ gia sản xuất xi măng, hoặc dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng hay gia cố nền đường sau khi đã xử lý. Theo đó, công ty SEFA ở South Carolina đã quyết định xây dựng một nhà máy tái chế 400.000 tấn tro bay mỗi năm thành pozzolan làm nguyên liệu sản xuất bê tông. Trong khi đó, ở Ấn Độ, hiện có đến hơn 16.000 nhà máy sản xuất gạch từ tro bay, giúp tái chế hơn 20 triệu tấn tro bay hàng năm và cung cấp hơn 1/6 nhu cầu về gạch của thị trường Ấn Độ.

Còn tại Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái chế tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, thạch cao, than tái chế và cũng đã được áp dụng vào sản xuất. Điển hình như Dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 3 triệu viên/năm của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Hay ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn sử dụng phụ gia tro xỉ (RCC) trong xây dựng đập thuỷ điện, đã được áp dụng cho các công trình đập thuỷ điện, trước tiên là thuỷ điện Sơn La.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Tái sử dụng tro xỉ than để bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới