Xử lý tro xỉ thải nhiệt điện: Thực trạng và những nút thắt cần gỡ
Vấn đề xử lý tro, xỉ thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trong một thời gian dài đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên lượng tiêu thụ tro, xỉ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định 452/QĐ-TTg.
Sản lượng tiêu thụ mới chỉ đạt 44% tổng lượng phát thải
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, phát thải ra tổng lượng tro, xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm từ 80% đến 85%. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, chiếm 65%, miền Trung chiếm 23% và miền Nam chiếm 12% tổng lượng thải.
Trong số này, lượng tro xỉ phát thải từ 13 nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 8,57 triệu tấn, chiếm 64% tổng lượng phát thải của cả nước. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 6 nhà máy với lượng tro, xỉ phát thải là 2,05 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải và 1 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 0,784 triệu tấn chiếm khoảng 6% tổng lượng tro xỉ phát thải. Cùng với đó là 5 nhà máy của các chủ đầu tư BOT và các chủ đầu tư khác phát thải khoảng 2 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng phát thải của cả nước.
Nhằm tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao ngày, ngày 12/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng (Quyết định số 452/QĐ-TTg).
Qua gần 4 năm, triển khai thực hiện Quyết định này, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 44,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm.
Trong đó, EVN tiêu thụ khoảng gần 23 triệu tấn, TKV tiêu thụ được khoảng hơn 6 triệu tấn, PVN tiêu thụ được gần 1,5 triệu tấn. Các nhà máy BOT và các chủ đầu tư khác tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn.
Thực tế cho thấy tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn, chiếm 70%; sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn, chiếm 12%; làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn, chiếm 8%; và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn, chiếm 9%.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, lượng tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiện điện than chưa đạt được mục tiêu đặt ra của Đề án cả về tổng lượng tiêu thụ và cơ cấu tiêu thụ cho các lĩnh vực.
Đi tìm nguyên nhân để giải bài toán tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện
Tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn khoảng 47,65 triệu tấn.
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở phát thải và đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 452, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc sử dụng tro xỉ đã cơ bản được xây dựng và ban hành đầy đủ nhưng kết quả xử lý, tiêu thụ tro, xỉ chưa như kỳ vọng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho thấy, tính đến tháng 6/2020, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng khoảng trên 10,9 triệu tấn nhưng lượng tro xỉ đã được xử lý, tiêu thụ chỉ đạt con số rất khiêm tốn, hơn 1,049 triệu tấn, chiếm 9,62%.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết do các nhà máy nhiệt điện cách quá xa các cơ sở sản xuất xi măng và hộ tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn ở phía nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… nên khó khăn trong việc vận chuyển, tăng chi phí tiêu thụ do vận chuyển đi xa.
Việc vận chuyển tro, xỉ bằng đường biển qua Cảng tổng hợp, chi phí cao, do đó vẫn chưa khuyến khích được các đơn vị tiêu thụ qua đường biển.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng thẳng thắn chỉ rõ tình trạng các cơ sở tái sử dụng tro, xỉ trong phạm vi tỉnh Bình Thuận và các khu vực phụ cận còn ít, năng lực tiếp nhận để tái xử lý còn yếu. Thói quen sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ chưa được người dân địa phương đón nhận. Các yếu tố khách quan này đã ảnh hưởng đến khối lượng tro, xỉ được xử lý.
Đại diện Sở Xây dựng Bình Thuận đề nghị trong thời gian tới chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện ngoài việc ký kết hợp đồng xử lý và tiêu thụ tro, xỉ cần tiếp tục mở rộng hợp tác ngoài hình thức đấu thầu với các đơn vị xử lý và tái sử dụng tro, xỉ tại các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Đồng Nai và các tỉnh Tây Nguyên để thúc đẩy khối lượng tiêu thụ.
Cùng với đó cần tính tới việc cung cấp tro, xỉ miễn phí cho các đơn vị có năng lực tiêu thụ và bảo đảm vấn đề môi trường đồng thời chủ động tìm kiếm nhà thầu cung cấp dịch vụ tiêu thụ tro xỉ để giảm thiểu lượng tro xỉ phải chôn lấp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ có 2 doanh nghiệp sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nguyên liệu gạch không nung, trong đó Công ty Mãi Xanh mới chỉ lắp đặt được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch không nung và tiêu thụ tro, xỉ khoảng 450 tấn/ngày, chỉ bằng khoảng 10% lượng tro xỉ phát sinh trong một ngày của nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Việc tiếp tục triển khai lắp đặt các dây chuyền còn lại để tiêu thụ lượng tro xỉ từ nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 của doanh nghiệp này khó có khả năng thực hiện do khó khăn về tài chính. Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân đã phải điều chỉnh hợp đồng theo hướng giao Công ty Mãi Xanh tiêu thụ, xử lý 50% lượng tro xỉ ( trước đây là 100%) và chuyển khối lượng tro xỉ sang ký hợp đồng xử lý, tiêu thụ với Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền.
Theo phân tích của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các nhà máy điện ở Việt Nam đang sử dụng một trong 3 công nghệ xử lý khí sulfur: Xử lý bằng nước biển (SFGD); xử lý bằng bột đá vôi sau khi đốt; xử lý bằng bột đá vôi đốt kèm than. Hiện Việt Nam có 9/25 nhà máy đốt đá vôi kèm than dẫn đến tro bay có lẫn bột đá vôi nên khó làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng
Về công nghệ thải xỉ, một số nhà máy dùng công nghệ thải xỉ ướt sử dụng nước biển để thải hỗn hợp tro, xỉ ra bãi chứa dẫn tới tro, xỉ bị nhiễm mặn, gây khó khăn trong quá trình xử lý, tiêu thụ. Ngoài ra, một số nhà máy thải xỉ bằng công nghệ ướt nhưng trộn lẫn tro và xỉ vào nước và bơm ra bãi chứa, dẫn tới tro, xỉ lẫn lộn gây khó khăn trong quá trình xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Do sử dụng thiết bị công nghệ đốt chưa phù hợp để đốt cháy triệt để than chất lượng thấp, một số nhà máy sử dụng than antraxit thải ra tro, xỉ có tỉ lệ carbon chưa cháy cao trên 12%, không phù hợp với tiêu chuẩn làm phụ gia cho xi măng, phụ gia bê tông như nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1.
Cũng theo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng, mặc dù đã có tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, nhưng việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp vẫn chưa cạnh tranh được về giá thành so với các loại vật liệu san lấp truyền thống. Trong khi đó một số đơn vị xả thải còn bán tro xỉ thay vì có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị tiêu thụ nên dẫn đến tiêu thụ chậm.
Vụ Vật liệu xây dựng cho biết văn bản hướng dẫn xử lý tro, xỉ, thạch cao và hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên mỏ chưa được ban hành cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua.
Toàn Thắng