Thứ sáu, 22/11/2024 20:47 (GMT+7)
Thứ hai, 18/04/2022 16:00 (GMT+7)

Tài nguyên số ở Việt Nam như cô gái đẹp đang ẩn mình

Theo dõi KTMT trên

“Tài nguyên số là cô gái rất xinh đẹp, toàn diện ở nhiều mặt nhưng không phải bố mẹ cô gái "kín cổng cao tường" mà chính cô gái ẩn mình, không biết làm cho mình đẹp trong mắt người khác”.

Nền kinh tế số cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia dựa trên công nghệ hạ tầng về thông tin để khai thác nguồn tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự đoán kịp thời. Vì thế nếu biết cách tận dụng, khai thác thì đây là tài nguyên vô tận, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn dữ liệu gần như đầy đủ ở tất cả các mặt nhưng lại chưa được tận dụng, khai thác đúng với tiềm năng. Để làm rõ hơn điều này, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao đổi với TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam bên lề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”, diễn ra ngày 15/4/2022.

Pv: Nhiều nước trên thế giới đã và đang tận dụng dữ liệu làm nguồn tài nguyên số để khai thác,đem lại hiệu quả kinh tế cao, như Hàn Quốc vào năm 2020 đạt doanh thu 16,81 tỉ USD từ kinh tế dữ liệu;Cộng đồng EU là 434 tỉ Euro; Nhật Bản là 38,9 tỉ Euro; Mỹ là 215,4 tỉ USD... Thế còn ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

TS. Trần Quý: Tiềm năng tài nguyên số của Việt Nam giống như khu mỏ rất nhiều trữ lượng nhưng chưa biết cách khai thác. Trước đây, người ta tạo ra dữ liệu mà không có biết tạo ra để làm gì và cũng không có phương pháp, định hình sử dụng dữ liệu đó như thế nào. Chính vì thế, dữ liệu ở Việt Nam giờ có rất nhiều, gần như đầy đủ nhưng để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế số, chuyển đổi số thì đang là thách thức.

Tài nguyên số ở Việt Nam như cô gái đẹp đang ẩn mình - Ảnh 1
TS Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cùng phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”, diễn ra ngày 15/4/2022.

Hiện có 3 góc nhìn cho việc khai thác tài nguyên số. Một là Chính phủ: Dữ liệu mỗi nơi, mỗi ngành nghề một khác nhau mà chưa liên kết được. Chính phủ đã có quyết định, giao các Bộ, ngành xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung. Điều này giống như việc chúng ta chơi trò Lego, khi đã đầy đủ các mảnh ghép thì có thể ghép lên bất kỳ hình thù gì mà chúng ta muốn. Đây là quyết định mang tính đột phá.

Hai là doanh nghiệp: Trước đây họ không có xây dựng dữ liệu (Master Data) nên bị phân mảnh, không khai thác được. Bây giờ bắt đầu chuyển đổi số thì điều các doanh nghiệp quan tâm đầu tiên là Master Data để tiến hành khai thác.

Ba là người dân: Lo sợ vấn đề bảo mật thông tin khi cung cấp dữ liệu. Vừa rồi, Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ba yếu tố trên sẽ đảm bảo cho việc xây dựng, khai thác dữ liệu theo các trật tự, hiệu quả và đúng mục tiêu hơn.

PV: Các doanh nghiệp hiện nay vírằng"tài nguyên số giống như cô gái xinh đẹp có nhiều chàng trai đến tán tỉnh nhưng bố mẹ của cô gái thì "kín cổng cao tường" khiến cho các chàng trai muốn tiếp cận cô gái đó gặp nhiều khó khăn". Ông đánh giá thế nào về lời ví von này? Nếu đúng thì làm thế nào để các chàng trai tiếp cận được cô gái, đôi bên tìm được hạnh phúc chung cho mình?

TS. Trần Quý: Đây cũng là cách ví von rất là hay. Nhưng theo tôi, tài nguyên số là cô gái rất xinh đẹp, toàn diện ở nhiều mặt nhưng không phải bố mẹ cô gái "kín cổng cao tường" mà chính cô gái ẩn mình, không biết làm cho mình đẹp trong mắt người khác.

Cũng như dữ liệu đang có rất nhiều mà chưa thu hút người khác dùng dữ liệu làm gì. Chính vì thế, để các doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thì cần định hình, định dạng lại để tiếp cận với các nhóm doanh nghiệp. Đơn vị nào cần loại dữ liệu gì thì có ngay loại đó để xử lý.

Tài nguyên số ở Việt Nam như cô gái đẹp đang ẩn mình - Ảnh 2
Dữ liệu là tài nguyên vô tận chờ được khai thác (Ảnh minh hoạ).

PV: Tài nguyên số không chỉ trực tiếp đem về giá trị kinh tế mà còn là kênh để huy động vốn hoặc mở ra nhiều ngành, nghề khác với lợi ích to lớn mà khó có thể định lượng được. Như hồi tháng 3/2022, Chief - một mạng lưới dành cho phụ nữ chuyên nghiệp sử dụng tên miền lớn Chief.com huy động được thêm 100 triệu USD, giúp đẩy giá trị của Chief lên 1,1 tỉ USD, đưa Chief trở thành doanh nghiệp hỗ trợ hàng đầu của phụ nữ trong kinh doanh...

Ông nhìn nhận thế nào về mảng này của Việt Nam, khi tài nguyên số sẽ mở ranhiềungành nghề, cơ hội mới?

TS. Trần Quý: Ở nước ngoài gọi tài nguyên số là Big Data. Tài nguyên số cũng như bao tài nguyên thông thường khác, ví dụ như quặng có rất nhiều nhưng chưa tận dụng khai thác và đặc biệt là khâu xử lý, chế biến tài nguyên khai thác được chưa hiệu quả. Phần nữa là chúng ta chưa nhìn ra được tiềm năng thị trường thì dù tài nguyên có dồi dào cũng chẳng để làm gì.

Đối với dữ liệu cũng vậy. Dữ liệu có nhiều và đa chiều, làm sao để dữ liệu đó được tận dụng, phát huy hiệu quả cao nhất thì phụ thuộc vào người kinh doanh nhìn dữ liệu đó và thị trường đang cần dữ liệu gì (phân tích dữ liệu khách hàng, bảo hiểm, học sinh, con người, kinh doanh...) để phát triển, cung ứng cho thị trường.

Nhiều nước trên thế giới đi trước chúng ta một bước. Khi họ lấy dữ liệu về công dân, khách hàng... thì trước đó họ đã định hướng dữ liệu rồi. Còn chúng ta thì chưa định hướng trước điều này. Nên giờ chúng ta cần phải sắp xếp lại cấu trúc dữ liệu đã có, định hướng dữ liệu mới thì sẽ khai thác được rất nhiều. Tôi coi dữ liệu là mỏ vàng lớn còn chúng ta khai thác vàng như thế nào thì tuỳ thuộc vào mỗi người.

PV: Về mặt hạ tầng công nghệ để chia sẻ dữ liệu, đến thời điểm này chúng ta không phải lo, có đủ công nghệ để trao đổi, sàng lọc dữ liệu và tích hợp tư liệu. Có phải chúng ta đang thiếu đi một kiến trúc sư trưởng về dữ liệu để có cái nhìn tổng thể về giá trị và hướng tới người dùng?

TS. Trần Quý: Đúng ra, mỗi ngành nghề cần phải có một kiến trúc sư trưởng về dữ liệu. Như tôi đã nói, dữ liệu là tài nguyên của nhiều đối tượng. Cùng một dữ liệu nhưng mỗi người lại có cách sử dụng khác nhau, đem lại hiệu quả khác nhau. Người kiến trúc sư trưởng ấy vừa phải có tư duy đồng bộ, vừa có tư duy của người đồng hành, cung cấp, sử dụng... Trước đây chúng ta hầu như chưa nghĩ tới vấn đề đó nên giờ cần phải có người làm việc này để khai thác dữ liệu, đây là cái gốc để chuyển đổi số thành công.

Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!

Báo chí làm gì để khai thác tài nguyên số?

Trước đây, một luật sư đã từng hỏi tôi rằng, những thông tin mà phóng viên thu thập được ngoài phục vụ cho mục đích viết bài, đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì còn được sử dụng làm gì khác? Câu hỏi này khiến tôi bối rối, ông có câu trả lời nào không?

TS. Trần Quý: Chủ đề “chuyển đổi số cho ngành Báo chí” cũng được tranh luận rất nhiều trong thời gian qua. Báo chí trước đây không định hình cho việc tận dụng dữ liệu quý giá mà đơn vị thu thập được làm tài nguyên khai thác. Chủ yếu chỉ sử dụng vào mục đích chính là tin, bài. Sản phẩm báo chí cũng mới chỉ chú trọng làm sao cho hay, chuẩn văn chứ không phải làm theo cấu trúc.

Đối với những tờ báo tìm hướng đi “kinh doanh dữ liệu” thì họ sẽ làm sản phẩm theo cấu trúc, từ nào là keyword – từ khoá để xoay quanh điều đó. Chính vì thế, để chuyển đổi số cho báo thì ngay từ trong quá trình đạo tạo cần phải thay đổi giáo trình, làm sao sản phẩm báo chí không chỉ để người đọc “thấm” nhanh mà còn phải để máy “thấm” nhanh, phân tích được. Ví dụ, ai là người quan tâm nhất tới từ khoá “kinh tế”; “chứng khoán” thì để người đọc quan tâm đến kinh tế trong sản phẩm đó đã có hết rồi…

Huỳnh Huỳnh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Tài nguyên số ở Việt Nam như cô gái đẹp đang ẩn mình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới