TP.HCM tổ chức diễn đàn kinh tế số trước thách thức khai thác tài nguyên số
Tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để khai thác tài nguyên số cần có một "kiến trúc sư" vì mục đích chung hướng tới người dùng thì sẽ tập hợp được rất nhiều nguồn tư liệu với nhau.
Kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng và phát triển
Ngày 15/4, UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đại diện các Bộ, ngành Trung ương và hơn 900 đại biểu trong và ngoài nước.
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay sẽ xoay quanh bốn chủ đề chính: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN: Thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong DN: Kinh nghiệm và bài học thành công của DN trong nước và quốc tế.
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ: Hiện nay, kinh tế số đang lan tỏa rất nhanh và có hiệu quả nhưng sự hiểu biết về kinh tế số của các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế; nhận thức, hiểu biết về kinh tế số chưa được đồng bộ.
Vì vậy, diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo TP.HCM trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các DN trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số. Qua đó nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số. Đồng thời, thông qua diễn đàn giúp tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0) đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Có dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Sự tăng trưởng nhanh này là do hạ tầng viễn thông - CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; Do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; Dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; Tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế Việt Nam khi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo TS Phạm Việt Dũng, kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên 2 bình diện: Phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh); Cấu trúc kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số. Thực tế cho thấy, kinh tế số giúp tăng trưởng bền vững hơn, bởi công nghệ sẽ mang lại những giải pháp tốt, hiệu quả hơn đối với việc sử dụng tài nguyên, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường…
Lãnh đạo Việt Nam thời gian qua cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào GDP. Đến năm 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Đây là những mục tiêu lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên có liên quan.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, để đạt được những mục tiêu này, trước hết cần phải có những luận cứ khoa học vững chắc từ các nghiên cứu chuyên sâu làm căn cứ để có thể đề xuất được các giải pháp và kiến nghị chính sách phù hợp với thực tiễn. Các nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới phát triển nền kinh tế số cần phải nhanh chóng được thực hiện bao gồm: Xác định phạm vi, phân tích đặc trưng, đo lường quy mô nền kinh tế số, đánh giá các điều kiện và các yếu tố tác động tới sự phát triển của nền kinh tế số.
Bên cạnh những cơ hội, kinh tế số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn như: Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số; Năng lực chuyển đổi số của DN còn yếu; Lực lượng DN nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số "Make in Vietnam" còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài… và đặc biệt là chúng ta chưa có chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.
PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, từng nói: Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số đặt ra nhiều yêu cầu mới trong thực tiễn, dẫn tới những đòi hỏi mạnh mẽ về sự thay đổi trong nhận thức và tổ chức thực hiện. So với nền kinh tế truyền thống, bên cạnh những ưu thế không thể phủ nhận, sự phát triển nền kinh tế số, xã hội số cũng có nhiều thách thức và rủi ro mới, chưa từng có tiền lệ. Nhiều vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ tìm được câu trả lời.
“Làm thế nào để xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ cho sự phát triển kinh tế số khi điểm xuất phát chưa cao, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; Vấn đề xác định hướng ưu tiên, khâu đột phá, đo lường được chính xác quy mô và phạm vi của nền kinh tế số hiện nay ở là một câu hỏi lớn đang được đặt ra; Vấn đề quản trị hiện đại trong quá trình chuyển đổi số; Về nguồn nhân lực chất lượng cao; Về lao động, việc làm trong chuyển đổi số. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, nguy cơ gia tăng phân hóa giàu nghèo, là những vấn đề cần có lời giải khi nền kinh tế số dần chiếm ưu thế", PGS.TS Phạm Văn Linh dẫn chứng.
Tài nguyên số trong kinh tế số đang chờ khai thác
Theo nhiều chuyên gia, trong nền kinh tế số, các hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người với người mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Trong nền kinh tế này, các loại thị trường dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng. Nền kinh tế số cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia dựa trên công nghệ hạ tầng về thông tin để khai thác nguồn tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự đoán kịp thời. Vì thế nếu biết cách tận dụng, khai thác thì đây là tài nguyên vô tận, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên thế giới, đã có nhiều đơn vị thu về nguồn kinh tế lớn từ việc tận dụng hệ sinh thái dữ liệu. Mới đây nhất là việc Chief - một mạng lưới dành cho phụ nữ chuyên nghiệp sử dụng tên miền lớn Chief.com đã huy động được thêm 100 triệu USD.
Chief tập hợp mạng lưới thành viên tư nhân được thiết lập để giúp kết nối và hỗ trợ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo. Được thành lập vào năm 2019, công ty chấp nhận đơn đăng ký thành viên từ phụ nữ ở cấp điều hành với 15 năm kinh nghiệm trở lên. Khi đã tham gia câu lạc bộ, các thành viên trưởng có thể tiếp cận với mạng lưới những phụ nữ khác ở các vị trí lãnh đạo cũng như các hội thảo và nguồn lực để hỗ trợ phát triển chuyên môn.
Năm 2019, Chife đã mua lại tên miền Chief.com chứa hơn 40.000 người nằm trong danh sách chờ với giá 22 triệu USD. Đến nay Chief đạt được cột mốc 10.000 thành viên và đảm bảo được 140 triệu USD tài trợ, bao gồm cả vòng gọi vốn Series B trị giá 100 triệu USD kết thúc vào tháng 3/2022. Nguồn vốn Series B đã đẩy giá trị của Chief lên 1,1 tỉ đô la, đưa Chief trở thành doanh nghiệp hỗ trợ hàng đầu của phụ nữ trong kinh doanh.
Còn tại Việt Nam, tài nguyên số dường như đang bị bỏ quên. Ông Nguyễn Thế Trung – lãnh đạo một doanh nghiệp về công nghệ, chia sẻ: “Trong chuyển đổi số dữ liệu rất quan trọng. Chính phủ có một lượng dữ liệu khổng lồ. Trong hệ thống quản lý cho chúng ta biết đến từng học sinh đang học lớp nào chúng ta biết cả người dân giao dịch đang cần có nhu cầu nào, thậm chí bây giờ chúng ta có rất nhiều thông tin về giao thông, người dân đi lại thế nào, ăn uống vân vân. Dữ liệu này nếu mà không dùng làm gì thì bỏ đi thôi. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp được tiếp cận để khai thác và đưa vào những công nghệ như là trí tuệ nhân tạo, để đưa ra dịch vụ cho người dân thì đó là một cơ hội kiến tạo cho những mô hình kinh doanh mới”.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT khẳng định: “Về mặt hạ tầng công nghệ để chia sẻ dữ liệu, đến thời điểm này công nghệ chúng ta không phải lo. Công nghệ đã quá chín muồi và thừa công nghệ để trao đổi dữ liệu, sàng lọc dữ liệu và tích hợp tư liệu. Quan trọng là chúng ta cần một kiến trúc sư về dữ liệu của một cơ quan, đơn vị, có cái nhìn tổng thể về giá trị dữ liệu trong không chỉ cơ quan, tổ chức mình mà vì mục đích chung hướng tới người dùng thì sẽ tập hợp được rất nhiều nguồn tư liệu với nhau. Cần lưu ý quản trị dữ liệu cho tốt và biến dữ liệu thành thông tin có giá trị trị tri thức và hạ tầng công nghệ chúng ta cần quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin,tổ chức dữ liệu an toàn, hiệu quả”.
Đông Tẩu