Thứ hai, 06/05/2024 11:48 (GMT+7)
Chủ nhật, 17/04/2022 11:00 (GMT+7)

Kho dữ liệu đất đai của TP.HCM vô cùng quý giá

Theo dõi KTMT trên

Hệ thống thông tin đất đai của TP.HCM đang triển khai riêng lẻ và cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ về quy hoạch, giá đất... Khi dữ liệu đầy đủ, thành phố có thể liên thông đầu tư công, thuế, công chứng, ngân hàng… trở thành nguồn dữ liệu mở quý giá.

Nguồn tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự đoán kịp thời. Vì thế nếu biết cách tận dụng, khai thác thì đây là tài nguyên vô tận, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề tài nguyên số trong phát triển kinh tế số đã được nhiều doanh nghiệp nhắc tới trong buổi gặp mặt với lãnh đạo TP.HCM ngày 15/4.

Tiềm năng kinh tế dữ liệu

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ cho các công ty chuyên về dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Dữ liệu mở cần công khai cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phải đầu tư đồng bộ, trọng điểm với các dự án liên quan đến nguồn dữ liệu, cho nguồn dữ liệu lớn… để biến nguồn dữ liệu thành tài nguyên phát triển kinh tế.

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, TP.HCM có là địa phương đi đầu xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia. "Chúng ta có thể ban hành ngay một kiến trúc dữ liệu của thành phố. Đây sẽ là cẩm nang quan trọng trong hoạch định chiến lược chuyển đổi số của thành phố. Đó là đầu vào để chúng ta có được kho dữ liệu dùng chung", ông Hy nói.

Theo ông Hy, kho dữ liệu cụ thể mà TPHCM cần xây dựng là đất đai. Bởi, hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ và cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ về quy hoạch, giá đất... để trở thành nguồn dữ liệu chung. Khi dữ liệu đầy đủ, thành phố có thể liên thông đầu tư công, thuế, công chứng, ngân hàng... trở thành nguồn dữ liệu mở quý giá.

Kho dữ liệu đất đai của TP.HCM vô cùng quý giá - Ảnh 1
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe ý kiến đóng góp của các  doanh nghiệp để phát triển tài nguyên số.

"Các nước xung quanh đã dùng dữ liệu đất đai cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn thu mới về đất đai khi tra cứu trên mạng. Ví dụ, Singapore có đơn giá rõ ràng khi tra cứu thông tin về đất đai", ông Hy dẫn chứng.

Nói về tài nguyên dữ liệu, ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành công nghệ thông tin, nhận định dữ liệu sẽ lên ngôi và đưa ra 6 đề xuất phát triển, đó là: kinh tế dữ liệu, công nghệ dữ liệu và xử lý dữ liệu thô, hạ tầng dữ liệu không gian, công nghệ trí tuệ nhân tạo và giải pháp đầu tư đồng bộ.

Ông Thủy lấy ví dụ từ Hàn Quốc, khi năm 2020 quốc gia này đạt doanh thu 16,81 tỉ USD từ kinh tế dữ liệu. Cộng đồng EU là 434 tỉ Euro, Nhật Bản là 38,9 tỉ Euro, Mỹ là 215,4 tỉ USD. Đó là con số rất lớn về kinh tế dữ liệu.

Ông Thủy mong rằng TP.HCM có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp dữ liệu và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Và đặc biệt là cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp vừa và nhỏ thụ hưởng nguồn dữ liệu mở.

"Chúng ta chỉ có thể thực hiện được thành phố thông minh khi phải đẩy mạnh hạ tầng dữ liệu không gian. Trong đó có dữ liệu về đất đai, các khu quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội", ông Thủy đề xuất.

Để làm được những vấn đề trên, theo ông Thủy, phải có sự đầu tư trọng điểm cho các giải pháp về phân tích dữ liệu lớn dựa trên nền tảng tính toán hiệu năng cao và sử dụng công nghệ AI, chỉ khi đồng bộ được những vấn đề này mới tạo ra sản phẩm trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

Phát triển kinh tế số bền vững

Ông Lê Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty MISA Chi nhánh tại TP.HCM cho biết, tùy theo nhu cầu, chi phí của doanh nghiệp, tùy vào điểm yếu của doanh nghiệp để tiến hành chuyển đổi số. Áp dụng công nghệ để giải quyết từng vấn đề nhỏ nhất của doanh nghiệp, không nên làm đồng loạt vì còn liên quan đến chi phí của doanh nghiệp, nhận thức của đội ngũ nhân viên. Nếu áp dụng không hợp lý thì chuyển đổi sẽ không thành công.

Kho dữ liệu đất đai của TP.HCM vô cùng quý giá - Ảnh 2
Ông Lê Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty MISA Chi nhánh tại TP.HCM.

TP.HCM là nơi có tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước, hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% xã, phường...Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số như: kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, đảm bảo an ninh mạng… phải đạt một chất lượng nhất định.

TS Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ - thông tin rằng ở Đức có một hệ thống xuất sắc để đào tạo, nâng đỡ cho thế hệ kế tiếp, bao gồm việc đào tạo nghề. TP.HCM cũng có thể bắt đầu bằng việc đào tạo về công nghệ với những công ty có thể hỗ trợ, cố vấn cho người trẻ tham gia, từ đó góp phần thúc đẩy số hóa nền kinh tế. Có thể cùng nhau tạo ra TP.HCM là một thành phố kỳ lân về công nghệ, bắt đầu bằng việc đào tạo cho giới trẻ.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định Việt Nam hiện có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp đang nổi lên, trong đó có những nền tảng thanh toán mới. TP.HCM thật sự đang đi đầu ở lĩnh vực này và WB đánh giá cao sự hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp để có thể khởi nghiệp.

Dù vậy, nếu nhìn ở góc độ toàn quốc vẫn cần sự cải thiện. Hiện mới khoảng 7% doanh nghiệp Việt Nam được thúc đẩy bởi cơ sở dữ liệu số, trong khi con số này ở khu vực Đông Á là 13%. Hay khảo sát gần đây, chỉ có 1/5 doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng quy trình hoàn toàn số hóa để thực hiện hoạt động như marketing, thanh toán... Ngoài ra, độ an toàn, bảo mật và sự tin cậy cũng là yếu tố cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế số.

Ghi nhận những góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, Chủ tịch UBND TP.HCM - Phan Văn Mãi đề nghị Sở TT&TT, Hội Tin học TP.HCM nhanh chóng thành lập diễn đàn số, trở thành kênh thông tin giữa thành phố với các doanh nghiệp, nhà khoa học, các đơn vị; Hình thành mạng lưới chuyển đổi số của thành phố.

Ông Phan Văn Mãi mong muốn nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức… tích cực tham gia để hoàn thành sứ mạng chuyển đổi số vì sự phát triển của thành phố. Thành phố cũng đặt ra các nhiệm vụ phải làm ngay như thành lập cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, cả doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp ứng dụng; Xây dựng Chiến lược nguồn nhân lực, Chiến lược đảm bảo an toàn thông tin; Chiến lược dữ liệu và xây dựng cộng đồng số cho TP.HCM.

Dịp này, Sở TT&T&&, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, Hội Tin học TP.HCM đã ký kết hợp tác triển khai Chương trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Tổ chức chương trình đào tạo, truyền thông về chuyển đổi số cho lãnh đạo, cán bộ nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số; Kết nối các nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số với các doanh nghiệp có nhu cầu…

Ngọc Đông

Bạn đang đọc bài viết Kho dữ liệu đất đai của TP.HCM vô cùng quý giá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới