Thứ năm, 25/04/2024 18:01 (GMT+7)
Thứ ba, 02/03/2021 11:41 (GMT+7)

Sông Cầu ‘giãy chết’, 2 Bộ vào cuộc yêu cầu Bắc Ninh xử lý

Theo dõi KTMT trên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi gây ô nhiễm sông Cầu.

Thủ phạm là nước thải khu công nghiệp

Sông Cầu là một trong 5 con sông quan trọng nhất của miền Bắc. Tình trạng sông Cầu ô nhiễm đã xảy ra từ lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống 2 bên bờ sông.

Trên lưu vực sông Cầu có trên 4.000 nguồn thải, gồm: 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 cơ sở y tế; 140 làng nghề. Ba tỉnh có số lượng nguồn thải lớn nhất là Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có lượng nguồn thải ít nhất”.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ H.Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào. Nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm thuộc H.Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, CCN Phong Khê (phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh).

Sông Cầu ‘giãy chết’, 2 Bộ vào cuộc yêu cầu Bắc Ninh xử lý - Ảnh 1

Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 năm nay nước xả từ sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) ra sông Cầu tiếp tục có màu đen sẫm, ô nhiễm nặng nề đặc biệt ở điểm thải mới từ Trạm bơm Vạn An, TP.Bắc Ninh.

Trước thực trạng này, một trạm bơm cung cấp nước sạch cho thôn Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) và nhà máy nước sạch sông Cầu, đơn vị phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 người dân trên địa bàn TP.Bắc Ninh cũng đã phải tạm dừng hoạt động.

2 Bộ vào cuộc yêu cầu Bắc Ninh xử lý

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trên sông Ngũ Huyện Khê (đầu nguồn sông Cầu) thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống.

Theo Bộ NN&PTNT, qua công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của địa phương cũng như các đơn vị truyền thông cho thấy việc quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Đuống còn một số tồn tại.

Cụ thể, nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt…; đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê 1, Phong Khê 2 (TP.Bắc Ninh).

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 22/2, Bộ TN&MT cũng đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, trước mắt dừng ngay việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu qua cống tiêu Đặng Xá.

Kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá hợp lý, bảo đảm dòng chảy, không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông. Đồng thời phối hợp chặt chẽ và thông tin cho UBND tỉnh Bắc Giang trước khi điều chỉnh cống tiêu Đặng Xá xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu.

Tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra đột xuất xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp (CCN) Phong Khê và CCN Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; xử phạt nghiêm đối các cơ sở vi phạm.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định: "Việc bảo vệ môi trường sông Cầu là trách nhiệm của tất cả các địa phương thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu".

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đề nghị 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu thuộc địa phận giáp ranh. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải từ làng nghề, khu, cụm công nghiệp trước khi xả ra nguồn nước sông Cầu...

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Sông Cầu ‘giãy chết’, 2 Bộ vào cuộc yêu cầu Bắc Ninh xử lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.