Thứ bảy, 27/04/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/06/2022 07:00 (GMT+7)

Sớm ban hành cơ chế giá mới cho điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khoá chuyển đổi năng lượng trong tương lai. Do đó, cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu hoặc khung giá mới để chọn nhà đầu tư và tránh năng lượng tái tạo phát triển "ồ ạt" như vừa qua.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ giá

Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư quy định về khung giá bán điện cho các loại hình phát điện, trong đó có điện mặt trời. Cơ chế này vẫn đang trong quá trình dự thảo.

Thông tin từ ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương cho biết, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (giá FIT) được thực hiện theo Quyết định 11 và 13 của Chính phủ.

Theo đó, cơ chế này có nhiều ưu đãi cho các dự án điện mặt trời, đặc biệt ưu đãi về giá. Với điện mặt trời mặt đất, Quyết định 11 có giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh, Quyết định 13 là 7,09 cent/kWh và áp mái là 8,38 cent/kWh. Nhờ các cơ chế khuyến khích đó, điện mặt trời phát triển rất nhanh trong thời gian rất ngắn.

Ngoài ra, hiện nay có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung đã có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam. Đây là con số tương đối lớn so với tỉ lệ cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày nên cần phải cân đối các nguồn điện dự phòng khi phát trong những giờ cao điểm, hoặc phát vào ban đêm và khi không có ánh nắng.

Ông Hùng nhấn mạnh, cơ chế hỗ trợ của nhà nước chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút dự án đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay, không còn phù hợp nữa.

Sớm ban hành cơ chế giá mới cho điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt - Ảnh 1
Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đang mong mỏi các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư vào dự án điện mặt trời. (Ảnh minh họa)

Thời điểm điện mặt trời phát triển “nóng”, những cơ chế ưu đãi này đã giúp hệ thống điện mặt trời phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Cụ thể, với điện mặt trời mặt đất, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế cho điện mặt trời đưa ra giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đưa ra mức giá 7,09 cent/kWh, trong khi điện mặt trời áp mái là 8,38 cent/kWh. Cơ chế giá điện FIT ban hành theo 2 Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30/12/2020, các dự án sau thời gian này, không được áp dụng cơ chế này nữa.

Theo các chuyên gia, khoảng trống về chính sách 2 năm qua đã khiến hoạt động phát triển điện mặt trời chững lại. Các hợp đồng mua bán điện không khả thi để vay vốn chính là rào cản lớn trong việc thu hút nhà đầu tư. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, kịch bản tối ưu hóa chi phí để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này là công suất điện mặt trời (điện mặt trời) đạt 38 GW vào năm 2030, tiến tới 950 GW vào năm 2050. Con số này sẽ trở thành hiện thực nếu Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào mở rộng lưới điện truyền tải. Nhưng trước mắt, nhà đầu tư đang mong mỏi các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư vào dự án điện mặt trời cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Trước đó, Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận đã từng có kiến nghị Chính phủ nên gia hạn giá FIT cho các dự án chậm tiến độ, áp dụng giá FIT này cho đến khi có cơ chế đầu thầu được ban hành.

"Chủ đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, mà đến nay cơ chế đấu thầu vẫn chưa được ban hành, doanh nghiệp không bán được điện, không có dòng tiền về. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu, không thể trả nợ và lãi vay ngân hàng", ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận lo ngại. Đây là điều doanh nghiệp rất lo ngại bởi suất đầu tư trung bình của 1W điện gió là vô cùng lớn, khoảng 1,4 triệu USD,

Cùng quan điểm trên, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) cho rằng, các chính sách cho doanh nghiệp cần phải dễ dự báo và cho doanh nghiệp biết sớm, cụ thể để họ có lộ trình kế hoạch động lực hoàn thiện dự án. Sau cơ chế giá FIT thì Bộ Công Thương đề xuất theo cơ chế đấu thầu, nhưng doanh nghiệp vẫn đang chưa rõ về cơ chế này vì chưa có gì cụ thể.

Theo ông Thiện, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ chủ yếu là do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, cần xem xét cho các dự án chậm tiến độ mà đã được ký hợp đồng mua bán điện với EVN được gia hạn thời gian ưu đãi từ 3 - 6 tháng. Nếu qua thời điểm này mà nhà đầu tư không làm được thì chuyển sang cơ chế đấu thầu, đây là điều cần cân nhắc bởi sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh.

Chờ Quy hoạch điện VIII phê duyệt?

Nhấn mạnh năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khoá chuyển đổi năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) bày tỏ cần phát triển có chọn lọc hơn loại năng lượng này. Cùng với năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), chính sách giá FIT với giá mua điện 8,38-9,35 cent/kWh là hấp dẫn, đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Do đó, một trong số giải pháp Chủ tịch VEA đề cập là, nhà chức trách cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu hoặc khung giá mới để chọn nhà đầu tư và "tránh năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt như vừa qua".

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, muốn có cơ chế giá mới chắc phải chờ Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch Điện VIII là căn cứ để thiết kế cơ chế đấu thầu, khung giá mới cho điện mặt trời.

Được biết, hiện Quy hoạch điện VIII đã được Hội đồng thẩm định thông qua, và được Bộ Công Thương trình Thủ tuớng phê duyệt. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.

Quy hoạch này đã được Hội đồng thẩm định thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Dự kiến trong tháng 6/2022, Quy hoạch Điện VIII có thể được phê duyệt. 

Theo các nhà đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có ưu điểm là tính cạnh tranh cao, điểm khó khăn là cách thức tổ chức. Bởi nếu không có quy trình, quy định cụ thể, có thể gây ra hệ luỵ sau này.

Về mặt pháp lý, các quy định đã có trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, song việc tổ chức, xây dựng quy trình, quy định cho đấu thầu trong năng lượng tái tạo có những khó khăn nhất định. Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ, sửa đổi cho phù hợp.

"Quan trọng hơn cả phải có quy định khung giá mới để các nhà đầu tư điện mặt trời có kế hoạch thực hiện dự án. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp phải thanh lý chính máy móc, thiết bị đã đầu tư lên tới hàng trăm tỉ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng”, ông Trịnh Ngọc Quyết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh cho hay.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, tổng công suất dự án điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch là 15.400 MW, trong đó 148 nhà máy đã kịp vận hành thương mại đến hết 31/12/2020 với công suất gần 8.853 MW. Với điện gió, tổng công suất dự án đã bổ sung quy hoạch là 11.921 MW. Trong số này có 84 nhà máy kịp nghiệm thu vận hành thương mại (COD) toàn bộ và một phần với công suất hơn 3.980 MW. Có 37 dự án điện gió không kịp COD để hưởng mức giá FIT ưu đãi trong suốt 20 năm như Quyết định của Thủ tướng phê duyệt trước đó.

Với xu thế các nước chuyển đổi từ cơ chế giá FIT ưu đãi sang đấu thầu dự án năng lượng tái tạo theo yêu cầu của hệ thống điện, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ chuyển sang cơ chế đấu thầu mua giá điện. Theo đó, EVN sẽ là đơn vị đấu thầu, dự kiến thực hiện trong năm 2022. Giá mua điện sau đấu thầu sẽ áp dụng trong 3 năm (đến 2025). Sau thời gian này, các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ phải đấu thầu tiếp theo quy định do Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành. Đồng tiền tính giá là VND (đồng/kWh) và không điều chỉnh biến động theo tỷ giá VND/USD.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Sớm ban hành cơ chế giá mới cho điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới