Thứ sáu, 22/11/2024 16:20 (GMT+7)
Thứ ba, 17/05/2022 10:55 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo: "Chìa khóa" mở dòng vốn đầu tư phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nguồn năng lượng mới này sẽ giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững.

Năm 2022 năng lượng tái tạo sẽ tăng kỷ lục

Mới đây, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố cho biết, công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung trong năm 2021 đã đạt 295 gigawatt bất chấp sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, tiến độ chậm trễ trong xây dựng và giá nguyên liệu thô cao. Sang năm 2022, thêm 320 gigawatt dự kiến được lắp đặt, tương đương với toàn bộ nhu cầu điện của Đức hoặc tổng sản lượng điện từ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Năng lượng mặt trời - dẫn đầu bởi Trung Quốc và châu Âu - ước tính sẽ chiếm 60% tăng trưởng điện tái tạo vào năm 2022, xếp sau là năng lượng gió và thủy điện, theo cơ quan tư vấn cho các quốc gia phát triển về chính sách năng lượng.

"Công suất điện tái tạo bổ sung được đưa vào sử dụng trong năm 2022 và 2023 có khả năng làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt của Nga trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, đóng góp thực tế sẽ phụ thuộc vào sự thành công của các biện pháp hiệu quả năng lượng song song để duy trì nhu cầu của khu vực", IEA cho biết.

Được biết, EU đã đề ra mục tiêu giảm 2/3 phụ thuộc vào khí đốt Nga trong năm nay sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Là một trong những khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch, việc đầu tư dài hạn vào năng lượng tái tạo có thể giúp ổn định giá năng lượng và giảm sự phụ thuộc của EU, khi có tới 90% lượng khí đốt ở khu vực này được nhập khẩu. Từ cuối năm 2018, kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu” ra đời.

Năng lượng tái tạo: "Chìa khóa" mở dòng vốn đầu tư phát triển bền vững - Ảnh 1
Năng lượng mặt trời, dẫn đầu bởi Trung Quốc và châu Âu, ước tính sẽ chiếm 60% tăng trưởng điện tái tạo vào năm 2022. (Ảnh minh họa)

Theo đó, các thành viên EU dần chuyển đổi sang nền kinh tế có mức độ thải khí carbon thấp, an toàn sức khỏe cho người dân và góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều ngành công nghiệp. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, EU đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030, và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải các bon năm 2050.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nêu rõ: "Những tiến triển trên thị trường năng lượng trong những tháng gần đây, nhất là ở châu Âu, một lần nữa đã chứng tỏ vai trò cốt yếu của năng lượng tái tạo trong cải thiện an ninh năng lượng, ngoài tính hiệu của năng lượng tái tạo trong giảm lượng phát thải."

Ông Birol kêu gọi chính phủ các nước giảm tệ quan liêu, thúc đẩy việc cấp giấy phép và đề ra sáng kiến để triển khai nhanh hơn các dự án về năng lượng tái tạo. 

Theo IEA, căn cứ vào những chính sách hiện hành, công suất điện tái tạo trên thế giới dự báo sẽ giảm dần vào năm 2023, trong đó tăng trưởng công suất thủy điện giảm 40% và năng lượng gió không thay đổi nhiều so với năm nay.

Năng lượng tái tạo là yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt…là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính. Hiện khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu đang được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu này. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, góp phần làm chậm lại sự gia tăng của biến đổi khí hậu.

Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ của Việt Nam là 217GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 160GW; tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời là 386GW.

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang thành nước nhập khẩu năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách là rào cản cho phát triển nguồn năng lượng này một cách bền vững. 

Báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích Tài chính (IEEFA) ước tính, các tập đoàn đa quốc gia đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Họ cũng đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do đó, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Ngoài ra, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung điện bổ sung, mà còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế, và sẽ là chìa khóa giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho một kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch. Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết giảm chi phí trước mắt mà đây là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và danh tiếng của họ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo: "Chìa khóa" mở dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới