Thứ sáu, 29/03/2024 15:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 15:55 (GMT+7)

EU hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

“Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng bền vững vẫn ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của EU dựa trên nhu cầu cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu và kinh nghiệm vững chắc của EU trong quá trình chuyển đổi năng lượng”, Đại sứ EU nhận định.

Hỗ trợ 142 triệu Euro phát triển năng lượng bền vững

Bộ Công Thương và Đại sứ Liên minh châu Âu vừa chính thức ra mắt Ban Chỉ đạo "Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU" (SETP).

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc COP26 tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã công bố hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện các cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để thực hiện các mục tiêu tuyên bố tại Hội nghị COP26. Trong đó chuyển đổi năng lượng bền vững là nhiệm vụ trọng yếu do lĩnh vực năng lượng chiếm đến 70% phát thải khí nhà kính.

Với những cam kết đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam về biến đổi khí hậu tại COP26 nhằm đạt được mức phát thải ròng các bon bằng 0 vào năm 2050 và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế, EU đã cung cấp một khoản tài trợ mới, rất đáng kể trị giá 142 triệu Euro để thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

EU hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1
“Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng bền vững vẫn ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của EU”, Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Aliberti khẳng định. (Ảnh: Bộ Công Thương)

“Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng bền vững vẫn ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của EU dựa trên nhu cầu cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu và kinh nghiệm vững chắc của EU trong quá trình chuyển đổi năng lượng”, Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Aliberti cũng khẳng định.

Nối tiếp thành công của Chương trình hỗ trợ chính sách ngành năng lượng Việt Nam - EU (ESPSP) trị giá 108 triệu Euro do Liên minh châu Âu tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong giai đoạn 2018-2021, ngày 31 tháng 12 năm 2021, Hiệp định tài chính Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký kết với người đại diện của Liên minh châu Âu.

Chương trình SETP, với khoản viện trợ ODA không hoàn lại trị giá 142 triệu Euro khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và cam kết lâu dài của EU cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050. Hiệp định này cũng hướng tới sự hợp tác toàn diện và bền vững giữa Việt Nam và EU. Phía EU cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giải quyết các thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Hiệp định tài chính Chương trình SETP được ký kết vào thời điểm Liên minh châu Âu phê duyệt Chương trình hỗ trợ đa niên Việt Nam - EU, giai đoạn 2021-2027, với khoản tài chính dự kiến 210 triệu Euro viện trợ không hoàn lại cho giai đoạn 2021-2024, trong đó phát triển các bon thấp là một lĩnh vực ưu tiên. Liên minh châu Âu và Việt Nam cùng mong muốn tiếp tục hợp tác và phát huy hết tiềm năng của hai bên để đi đến sự thành công của Chương trình.

Tạo điều kiện chuyển đổi năng lượng bền vững

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về năng lượng để duy trì phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù hỗ trợ của EU không thể giải quyết tất cả những thách thức này, nhưng cùng với các đối tác phát triển khác, EU có thể tạo ảnh hưởng đến các chính sách và lựa chọn với mục đích làm cho lĩnh vực này minh bạch và bền vững hơn.

EU hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam - Ảnh 2
Ngành năng lượng Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh và bền vững, là yếu tố quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế, xã hội ở tốc độ cao. (Ảnh minh họa)

Do đó, “Chương trình Hỗ trợ chính sách Ngành Năng lượng hướng tới đảm bảo việc tiếp cận Năng lượng hiện đại, bền vững và đáng tin cậy cho mọi người dân” (ESPSP) của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 108 triệu Euro nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững ở các vùng nông thôn tại Việt Nam và đóng góp cho ngành năng lượng bền vững hơn bằng cách thúc đẩy năng lượng hiệu quả, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo có sẵn cho tất cả mọi người dân.

Theo ông Stefano Manservisi, Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển thuộc Ủy ban châu Âu, chương trình không chỉ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo 2013 – 2020 với mong muốn cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và bền vững cho tối đa 1.200.000 hộ gia đình ở khu vực nông thôn; đồng thời tăng cường quản trị ngành năng lượng để tạo điều kiện chuyển đổi sang một con đường phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam.

Thực tế, trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh và bền vững, là yếu tố quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế, xã hội ở tốc độ cao.

​Với nhu cầu tăng trưởng cao trong những năm tới, Việt Nam sẽ cần phải đầu tư khoảng 5-7 tỷ USD hàng năm cho ngành năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam cam kết phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm cung cấp điện cho cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, nới có 2% các hộ gia định nông thôn vẫn chưa được tiếp cận điện.

Trong bối cảnh như vậy, với sự hỗ trợ của liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp không chỉ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nguồn điện quốc gia mà còn hướng tới sự phát triển bền vững của ngành năng lượng.

Chương trình sẽ thực hiện đầu tư 23 tiểu dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia tại 23 tỉnh và 2 tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Cao Bằng và đảo Bạch Long Vỹ. Ngoài ra, 2 tiểu dự án cáp ngầm xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (Quảng Ninh) và đảo Nhơn Châu (Bình Định).

"Dự kiến khi kết thúc chương trình khoảng 750 thôn, bản sẽ được cấp điện với khoảng 60.000 hộ dân có điện và cấp điện cho 1 huyện đảo, 2 xã đảo.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng những nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo ở nước mình trên cơ sở lợi thế so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống và nhập khẩu. Đồng thời, xây dựng chính sách ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; đồng thời tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để phát triển năng lượng nhanh, bền vững…

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết EU hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.