Sóc Trăng cần hơn 19.400 tỷ đồng để khởi động cảng Trần Đề
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc trình Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư cảng Trần Đề, với số vốn ngân sách cho giai đoạn khởi động hơn 19.400 tỷ đồng.
Kiến nghị Trung ương hỗ trợ số vốn hơn 19.400 tỷ đồng
Cụ thể, tại công văn này, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về việc án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề - Sóc Trăng hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ số vốn là 19.403 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Cảng biển Trần Đề sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng hơn 162.700 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn khởi động cần vốn đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng, giai đoạn hoàn thiện vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng. Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT.
Theo ước tính, trong giai đoạn khởi động, cảng biển Trần Đề cần nguồn vốn đầu tư công khoảng 19.403 tỷ đồng (chiếm 43% vốn) để đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hàng hải, giao thông công cộng như: luồng tàu, đê chắn sóng, báo hiệu hàng hải, cầu vượt biển, đường giao thông kết nối từ điểm cuối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Quốc lộ 91B đến bến cảng Trần Đề.
Vốn đầu tư doanh nghiệp trong giai đoạn khởi động là hơn 25.290 tỷ đồng (chiếm 57% vốn) để triển khai các hạng mục, gồm: san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics, xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.
Theo công văn số 3489 và 3490 được Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp ký ngày 26/10, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 35,7 tỷ USD (xuất khẩu 24,2 tỷ USD, nhập khẩu 11,3 tỷ USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thuỷ sản, lúa gạo, trái cây, dệt may… trong đó ĐBSCL đóng góp 31% GDP ngành nông nghiệp cả nước; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: phân bón, chất dẻo, sắt thép, mày móc thiết bị…
Toàn vùng này hiện có 52 khu công nghiệp, 28 khu chế xuất, với tổng diện tích khoảng 17.300ha, trong đó có khoảng 9.000 ha đã được xây dựng (tỷ lệ lắp đầy đạt 53,5%); hàng hoá luân chuyển theo các phương thức vận tải đạt khoảng 35 triệu tấn.
Vì vậy, Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT.
UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá dự án cảng biển Trần Đề có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, nên ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa thì cần bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hàng hải, giao thông công cộng. Vì vậy, để giúp tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tương tự như các khu bến cảng cửa ngõ khác đã kêu gọi đầu tư trong thời gian qua như Lạch Huyện, Liên Chiểu.
Cảng Trần Đề sẽ tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư cho ĐBSCL
Cách đây không lâu, trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, khi cảng biển Trần Đề được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho cả vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp. Ngoài ra, cảng Trần Đề còn có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông hiện hữu và tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.Châu Đốc đến cảng Trần Đề từ 90-120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện và ngắn nhất.
“Việc xây dựng cảng biển nước sâu tại vị trí Trần Đề còn có nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Lợi ích nhìn thấy rõ nhất là khi hệ thống cảng biển, nhất là cảng biển nước sâu được đầu tư xây dựng tại Sóc Trăng sẽ góp phần làm giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa phục vụ cho xuất nhập khẩu, khi đó điểm nghẽn trong xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tháo gỡ”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
Trao đổi với báo giới về “siêu cảng” Trần Đề, đại diện Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông Hàng Hải (CMB) từng nhấn mạnh, cảng Trần Đề nằm ở vị trí cửa ngõ ĐBSCL, nơi có tiềm năng để xây dựng bến cảng mà trong khu vực sông Hậu không đáp ứng được. Ngoài ra việc cần thiết phải đầu tư Cảng Trần Đề được xem xét trên lợi thế khả năng cạnh tranh trong thu hút hàng hoá về cảng thay vì phải vận chuyển lên nhóm cảng biển số 4 như hiện nay (nhóm cảng biển số 4 gồm cảng TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương và Long An).
Theo đó, khi hình thành được cảng biển Trần Đề thì căn cứ vào khoảng cách di chuyển cũng như lợi thế về chi phí vận chuyển, thì vùng hấp dẫn trực tiếp đến cảng Trần Đề được hình thành với 8 địa phương bao gồm Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
TS.Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Liên Chi hội BĐS Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, ĐBSCL là “vựa nông sản” của cả nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong số nguyên nhân dẫn đến điều này là hạ tầng chưa đồng bộ, còn rất nhiều hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải.
“Nhiều năm qua, ĐBSCL nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc hạ tầng. Và thực tế cho thấy, hạ tầng tại khu vực đã được cải thiện đáng kể nhưng có thể nói là chưa xứng với tiềm năng phát triển của khu vực này. Đặc biệt là quy mô, năng lực vận tải đường thủy còn thấp, chưa có cảng đầu mối, quy mô đáp ứng việc xuất khẩu nông sản. Vì thế, việc phải di chuyển đi TP.HCM dẫn đến tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cảng Trần Đề chính là giải pháp thiết yếu đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL, đặc biệt là ngành nông sản”, TS.Trần Khắc Tâm nói.
Ông Tâm đồng tình với đề xuất của tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 19.400 tỷ đồng cho giai đoạn khởi động dự án. Bởi, dự án này có tổng vốn đầu tư rất cao. Ngoài kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa thì cần phải có ngân sách nhà nước để thực hiện các hạng mục giao thông công cộng, kết nối hạ tầng…Đến khi các hạng mục này được hoàn thiện, chắc chắn sẽ thêm sức sút, tạo động lực cho các nhà đầu tư.
Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, tổng diện tích quy hoạch khu bến cảng Trần Đề khoảng 5.400ha (diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha. Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3 km; cầu dẫn vượt biển 18 km;
15 cầu cảng (mỗi cầu dài 5,5km) có thể tiếp nhận cỡ tàu container 100.000DWT - 200.000 DWT; tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.
Kết nối giao thông với đường bộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.
Văn Chương