Thứ ba, 30/04/2024 20:49 (GMT+7)
Thứ hai, 15/04/2024 14:10 (GMT+7)

Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng cảng Trần Đề

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo Thủ tướng trong tháng 4

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 2392/VPCP – CN gửi Bộ trưởng các bộ: GTVT; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó rà soát, làm rõ sự cần thiết xây dựng của Đề án, cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra của Đề án (kế hoạch, nghị quyết và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.

Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng cảng Trần Đề - Ảnh 1
Phối cảnh tổng thể bến cảng Trần Đề.

Vào tháng 3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, vào tháng 3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thông tin, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, hiệu quả của việc đầu tư Cảng; nhu cầu vốn đầu tư và phương án kết hợp vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước, các nguồn vốn khác để đầu tư cảng; khả năng tham gia của nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện, cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai đầu tư cảng; dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên; Phương án thiết kế sơ bộ đầu tư xây dựng; thuyết minh về sự phù hợp với quy hoạch, kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án; dự kiến thời gian thực hiện dự án; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của công trình…

Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng cảng Trần Đề - Ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát cảng nước sâu Trần Đề vào tháng 4/2022. (Ảnh: Moit.gov.vn)

Cách đây không lâu, ngày 27/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến khảo sát khu bến cảng Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Sóc Trăng đang triển khai những dự án quan trọng, trong đó có cảng Trần Đề. Bộ GTVT khẳng định, Chính phủ hết sức quan tâm đến việc phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, nhất là cảng biển nước sâu Trần Đề là điểm đột phá chung của ĐBSCL. Do đó cảng Trần Đề đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm về trung chuyển hàng hóa, mở rộng không gian phát triển khu vực ĐBSCL.

Nhiều “bài toán” về logictisc của ĐBSCL sắp được tháo gỡ?

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, khi cảng biển Trần Đề được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho cả vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp. Ngoài ra, cảng Trần Đề còn có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông hiện hữu và tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.Châu Đốc đến cảng Trần Đề từ 90-120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện và ngắn nhất.

Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng cảng Trần Đề - Ảnh 3

Người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng nói rằng, việc xây dựng cảng biển nước sâu tại vị trí Trần Đề còn có nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Lợi ích nhìn thấy rõ nhất là khi hệ thống cảng biển, nhất là cảng biển nước sâu được đầu tư xây dựng tại Sóc Trăng sẽ góp phần làm giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa phục vụ cho xuất nhập khẩu, khi đó điểm nghẽn trong xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tháo gỡ.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định: “Một trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 của Sóc Trăng là ưu tiên hàng đầu là tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho Cảng biển Trần Đề. Bởi, Cảng biển Trần Đề được xây dựng, nó sẽ là điểm kết nối hàng hải cho khu vực, góp phần tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cảng biển này sẽ mở ra cánh cửa ra thế giới cho ĐBSCL và thúc đẩy phát triển rất nhiều ngành nghề khác”.

Từng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, cảng nước sâu Trần Đề không chỉ là ước mơ, niềm mong ngóng của Sóc Trăng mà nó còn là sự khát khao của các tỉnh ĐBSCL.

Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng cảng Trần Đề - Ảnh 4
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm cho rằng, lâu nay, vấn đề hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đường thủy là điểm hạn chế của các tỉnh ĐBSCL. Vì thế, việc xây dựng một cảng biển lớn là điều rất cần thiết để phát triển vùng. Khi đã có cảng biển lớn, cộng với hệ thống đường cao tốc thuận lợi, các tập đoàn lớn, nhà đầu nước ngoài được ví như "đại bàng" sẽ chọn các địa phương thuộc ĐBSCL là nơi “làm tổ”. Với việc chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, cảng nước sâu sẽ là “điểm mở” rất lớn để hình thành lên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu chế xuất. Kinh tế Sóc Trăng và các tỉnh thuộc ĐBCSL sẽ có thêm những cơ hội để cất cánh.

“Cầu Đại Ngãi và đường cao tốc Châu Đốc -Cần Thơ - Sóc Trăng đang dần hoàn thành. Một khi các công trình này đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ góp phần hoàn hiện sự kết nối của Sóc Trăng với các tỉnh, khu vực ĐBSCL với các vùng. Đây cũng là động lực để tỉnh Sóc Trăng thu hút đầu tư Cảng biển Trần Đề. Khi đó, với hệ thống giao thông gồm cao tốc, cảng biển sẽ kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực như logistic, công nghiệp, du lịch, đô thị dịch vụ”, Tiến sĩ Trần Khắc tâm nói.

Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, tổng diện tích quy hoạch khu bến cảng Trần Đề khoảng 5.400ha (diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha. Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3 km; cầu dẫn vượt biển 18 km;

15 cầu cảng (mỗi cầu dài 5,5km) có thể tiếp nhận cỡ tàu container 100.000DWT - 200.000 DWT; tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.

Kết nối giao thông với đường bộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.

V.Chương

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng cảng Trần Đề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).