Sóc Trăng và cuộc “lột xác” trên bảng xếp hạng PAPI
Chỉ tính trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh Sóc Trăng đã tăng 47 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số PAPI. Hiện tại, tỉnh này đang đứng thứ 4/63 tỉnh thành về Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam.
Liên tiếp thăng hạng
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Có thể hiểu đơn giản rằng, chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Điều này giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn. Địa phương nào có chỉ số PAPI càng cao đồng nghĩa với việc đang nhận được sự đánh giá cao của người dân.
Mới đây, ngày 2/4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) công bố báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023.
Theo đó, thêm một lần nữa, tỉnh Sóc Trăng có bước tiến vượt bậc so với năm 2022, lọt vào Top đầu cả nước. Cụ thể, Chỉ số PAPI 2023 của tỉnh Sóc Trăng đạt tổng số 45,6196 điểm (năm 2022 là 42,8559 điểm), xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; tăng 20 bậc so với năm 2022. Nên nhớ, trước đó, năm 2022, chỉ số PAPI của Sóc Trăng đứng thứ 24.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) dựa trên 8 chỉ số lĩnh vực. Trong 8 chỉ số đó, Sóc Trăng có 6 chỉ số được đánh giá vào nhóm cao nhất (công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường).
Điều rất đáng ghi nhận, tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về chỉ số kiểm soát tham nhũng ở khu vực công với số điểm 8,14 trên thang 10, tăng 5 bậc so với 2022. Năm 2022, Bình Dương là tỉnh có chỉ số này cao nhất cả nước.
Cũng xin được nói rõ thêm, Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công gồm 4 thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.
Còn nhớ, 2022, Sóc Trăng vươn lên xếp vị trí 24/63 tỉnh, thành phố về chỉ số PAPI, tăng 27 bậc so với năm 2021. Theo đó, Chỉ số PAPI 2022 của tỉnh Sóc Trăng đạt tổng số 42,86 điểm, tăng 2,82 điểm so với năm 2021, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao, tỉnh đạt điểm cao nhất là Quảng Ninh đạt 47,88 điểm. Với điểm số này, Sóc Trăng vươn lên vị trí 24 trong 63 tỉnh, thành phố; so với năm 2021 tăng 27 bậc. Năm 2022, nếu so sánh với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng xếp thứ 3, chỉ sau Vĩnh Long và Bạc Liêu. Còn năm 2023, Sóc Trăng đã vươn lên dẫn đầu, xếp sau là tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp…
Năm 2022, PAPI tiếp tục đánh giá theo 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, Sóc Trăng đã đạt các điểm số như sau: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,49; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định 5,09; trách nhiệm giải trình với người dân 4,36; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 7,4; thủ tục hành chính công 7,41; cung ứng dịch vụ công 7,27; quản trị môi trường 3,81; quản trị điện tử 3,02.
Vì sao chỉ số PAPI của Sóc Trăng “lột xác”?
Nhiều chuyên gia khẳng định, việc tỉnh Sóc Trăng liên tục thăng hạng và thăng hạng ở mức cao về chỉ só PAPI là kết quả của một quá trình nỗ lực. Trong năm 2022 và đặc biệt là năm 2023, cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện được sự quyết tâm về vấn đề cải cách hành chính công.
Cụ thể, trong năm 2023, UBND tỉnh tổ chức 10 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp/hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, bao gồm 2 buổi họp mặt, 1 buổi gặp mặt đại diện một số doanh nghiệp, 2 buổi tiếp xúc trực tiếp tại doanh nghiệp và 5 buổi gặp gỡ, ăn sáng định kỳ.
Trong các cuộc tiếp xúc nêu trên, đã có 50 lượt ý kiến được doanh nghiệp phản ánh và tỉnh đã giải quyết 49/50 ý kiến. Còn 1 ý kiến đang được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng thẩm quyền.
Đối với người dân, tỉnh Sóc Trăng luôn giữ thái độ thân thiện. Trong đợt Tết Nguyên đán 2024 vừa rồi, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành trang trí, mở cửa Trụ sở Văn phòng UBND tỉnh cho người dân tham quan.
Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nói rằng, việc mở cửa này để người dân Sóc Trăng có nơi tham quan, chụp hình lưu niệm trong những ngày Tết mà không phải đi xa. Sóc Trăng đã đầu tư, trang trí nhiều cảnh đẹp. Hy vọng người dân Sóc Trăng sẽ tận hưởng được nhiều niềm vui, may mắn trong dịp năm mới. Nhiều người đánh giá, chỉ một việc làm nhỏ của tỉnh đã khiến người dân cảm nhận được sự quan tâm, thân thiện.
Bên cạnh đó, tại 9 mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong tâm trong chỉ đạo điều hành chủ yếu năm 2024 của Sóc Trăng có chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ; thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Điều này cho thấy được sự quyết tâm của Sóc Trăng đối với vấn đề cải cách hành chính. Và, nhiệm vụ, mục tiêu thứ 7 là theo dõi, nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã hội.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, chưa bao giờ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như hiện nay. Tại các cuộc gặp, tiếp xúc, buổi cà phê ăn sáng với doanh nghiệp ở nhà ăn UBND tỉnh luôn có Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hồ Thị Cẩm Đào và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu.
8 chỉ số, lĩnh vực nội dung của PAPI
Từ năm 2018, Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố, cụ thể:
- Tham gia của người dân ở cấp cơ sở.
- Công khai, minh bạch
- Trách nhiệm giải trình với người dân
- Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
- Thủ tục hành chính công
- Cung ứng dịch vụ công
- Quản trị môi trường
- Quản trị điện tử
"Không chỉ nói suông, lãnh đạo Sóc Trăng có hành động và có việc làm hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân. Kịp thời chia sẻ và tháo gỡ những vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp", TS. Tâm nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng dẫn chứng, ngoài thành lập tổ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, lãnh đạo Sóc Trăng định kỳ tổ chức họp mặt doanh nghiệp. Hàng tháng còn tổ chức gặp gỡ, cà phê sáng với doanh nghiệp. Nhờ vậy những kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân được giải quyết kịp thời.
TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh, năm 2023, để có chỉ số PAPI thăng hạng 20 bậc đã thể hiện cho sự quyết tâm của tỉnh Sóc Trăng. Vào tháng 7 vừa rồi, tỉnh đã họp bàn phân tích các chỉ số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Việc Sóc Trăng vươn lên đứng thứ 4 cả nước về chỉ số PAPI là thành quả xứng đáng. Ông Tâm cho rằng, đây cũng là sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã chủ trì tổ chức 10 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp. Tại các cuộc gặp mặt này đều có sự xuất hiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở ngành, địa phương. Các vấn đề nào có thể tháo gỡ, Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải trả lời, giải quyết ngay tại cuộc gặp. Thậm chí, sau buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh còn có văn bản đôn đốc các sở ngành, báo cáo về việc xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.
“Tôi nhớ và rất ấn tượng tại một cuộc đối thoại với doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rằng, theo quy định, việc xử lý giải quyết phản ánh, ý kiến, công việc của doanh nghiệp, người dân là 7 ngày. Tuy nhiên, đối với việc nào có thể xử lý sớm thì phải xử lý trong 2-3 ngày. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xử lý công việc càng sớm càng tốt để thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp”, TS.Trần Khắc Tâm nói.
Vị này nói thêm, mới đây, tỉnh Sóc Trăng đã đón Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường và 60 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc sang thăm và gặp gỡ tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá rất cao về cải cách hành chính và sự thân thiện của tỉnh Sóc Trăng và mong muốn làm ăn lâu dài tại địa phương. Vì thế, Sóc Trăng hiện nay là điểm đến đầu tư vô cùng tiềm năng của khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.
Sóc Trăng đứng đầu cả nước về chỉ số kiểm soát tham nhũng
Tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về chỉ số kiểm soát tham nhũng ở khu vực công với số điểm 8,14 trên thang 10, tăng 5 bậc so với 2022. Năm 2022, Bình Dương là tỉnh có chỉ số này cao nhất cả nước.
Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công gồm 4 thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.
34/63 tỉnh, thành phố có chỉ số kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công ở mức cao (trên 2 điểm), dẫn đầu vẫn là Sóc Trăng và Thừa Thiên Huế. Tỉnh Sóc Trăng cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số công bằng trong tuyển dụng vào nhà nước và đứng thứ hai về chỉ số quyết tâm chống tham nhũng, sau Bạc Liêu.
Văn Chương