Hà Nội dự kiến xây dựng đập tràn để làm “sống lại” dòng sông 2.000 năm tuổi
Thời gian tới là TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu và đầu tư xây dựng đập tràn Xuân Quan nhằm cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi. Qua đó góp phần 'hồi sinh' dòng sông 2.000 năm tuổi.
Giải quyết dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch
Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP. Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.
Theo đó TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch từ đó sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.
Ngoài ra TP. Hà Nội sẽ tạm ngừng hoặc hạn chế việc khai thác cát trên sông Hồng. Qua đó góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.
Tại hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc làm đập tràn trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ TP. Hà Nội và vùng xung quanh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.
Nhiều lần “hồi sinh” nhưng kết quả?
Sông Tô Lịch đã có hơn 2.000 năm lịch sử, giữ vai trò là một tuyến đường thủy quan trọng và phần nào xác định ranh giới của kinh đô xưa kia. Năm 1889, người Pháp đã tiến hành lấp một phần của sông Tô để xây dựng 36 phố phường. Vì vậy mà hai cửa sông bị chặn lại hoàn toàn, không còn liên kết với sông Hồng và Hồ Tây.
Những năm qua, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa và sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã khiến sông Tô Lịch trở thành dòng sông "chết". Mặc dù chính quyền TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để hồi sinh nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm sông vẫn chưa được cải thiện. TP. Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để "hồi sinh" các dòng sông chết qua nội thành, trong đó là sông Tô Lịch.
Đầu năm 2009, TP. Hà Nội xem xét bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, để thúc đẩy dòng chảy tự nhiên vào sông Tô Lịch để thúc đẩy dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên vì nhiều lý do dự án không được thực hiện.
Năm 2019, TP. Hà Nội đã thử nghiệm việc làm sạch sông Tô Lịch sử dụng chế phẩm Redoxy-3C tại khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Kết quả ban đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực về mức độ ô nhiễm và mùi hôi của dòng sông. Tuy nhiên phương pháp này chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm, không được triển khai rộng rãi.
Cùng năm 200m sông Tô Lịch được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Bio-nano của Nhật Bản. Công nghệ được kỳ vọng không cần nạo nét nhưng vẫn có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở đáy sông .
Dù vậy kết quả cuối cùng của 3 lần “hồi sinh” không đạt được như kỳ vọng. Cho đến nay, công ty Thoát nước Hà Nội vẫn tiếp tục áp dụng các phương pháp xử lý truyền thống để nạo vét bùn và chất thải trên sông.
Chia sẻ với báo Kinh tế đô thị, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ cập, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP. Hà Nội đang triển khai. Theo lý giải của GS.TS Trần Đức Hạ, đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết.
Cũng theo GS.TS Trần Đức Hạ, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành dòng sông chết.
Kim Ngân