Sản xuất xi măng "thèm" nguồn nhiên liệu từ rác thải
Ðể giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, Việt Nam đang dần chuyển sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhằm phát triển bền vững; ngành xi măng cũng không thể nằm ngoài xu thế đó.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 8,5%-8,7%/năm. Hoạt động thi công các công trình xây dựng, giao thông hạ tầng kỹ thuật, vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng... diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), sản xuất xi măng là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất, trong đó nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là bụi phát sinh từ quá trình nung, nghiền xi măng. Lưu lượng khí thải tại các cơ sở sản xuất xi măng khác nhau tùy thuộc vào công nghệ và chế độ vận hành.
Mới có 3/87 dây chuyền xi măng được cấp phép xử lý chất thải
Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về sản xuất xi măng và cũng là nước xuất khẩu xi măng hàng đầu thế giới, với sản lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất luôn được cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, cùng với các cam kết chống biến đổi khí hậu, Chính phủ cũng đặt ra các mục tiêu để nâng cao hiệu quả và giảm tác động môi trường.
Trong đó, đang chú ý là Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020 (gọi tắt là Chiến lược). Theo Chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng. Sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker xi măng…
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Để thực hiện thành công Chiến lược, đối với ngành Xi măng, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng, đã đến lúc ngành xi măng phải thay đổi cách nhìn nhận và cái nhìn của xã hội về ngành. Kỳ vọng lớn nhất là phải biến xi măng thành một ngành sản xuất thân thiện với môi trường. Các nhà máy xi măng phải xanh, sạch, phát thải thấp. Khu vực khai thác mỏ phải được quản lý khoa học. Những nơi đã hạ cốt khai thác cũng phải được hoàn khai và biến thành những hồ điều hòa, trồng cây xanh, tạo cảnh quan...
Kỳ vọng của Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam là vậy nhưng hiện nay, số lượng dây chuyền xi măng được cấp phép xử lý chất thải, chất thải nguy hại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực trạng này đã được kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại buổi làm việc của Bộ với Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng ngày 21/4/2022.
Cụ thể, tại buổi làm việc này, ông Phạm Văn Nhân - thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã báo cáo: Hiện cả nước có 87 dây chuyền sản xuất xi măng nhưng chỉ có 3 đơn vị được cấp phép xử lý chất thải, chất thải nguy hại. Đó là Công ty xi măng Insee (Kiên Giang), Công ty TNHH sản xuất xi măng Thành Công (Hải Dương) và Công ty xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Trong khi đó, theo ông Nhân, tiềm năng xử lý chất thải trong ngành Xi măng rất lớn, vì đây là giải pháp có nhiều lợi thế khi xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, xử lý khối lượng lớn do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7, nhờ đó không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Kiến nghị được... ôm rác về!
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại buổi làm việc ngày 21/4, ông Phạm Văn Nhân - thành viên Hội đồng Thành viên VICEM, cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, VICEM và một số đơn vị thành viên đã triển khai thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng. Đồng thời, tăng sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo.
Theo ông Nhân, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất xi măng thì một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng nhất là thay thế nguồn nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu từ rác thải. Vì thế, VICEM kiến nghị các bộ ngành liên quan hghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể chi phí xử lý cho từng loại chất thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… công bố công khai để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn phát thải.
Không phải ngẫu nhiên mà đại diện VICEm lại đề xuất được... ôm rác về. báo cáo của ông Phạm Văn Nhân - thành viên Hội đồng Thành viên VICEM, với Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho thấy, rác thải công nghiệp thông thường được VICEM xử lý tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất; năm 2020, tổng khối lượng rác xử lý là gần 120.000 tấn; năm 2021 là hơn 200.000 tấn.
"Kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý khoảng 276.000 tấn rác thải làm nhiên liệu thay thế. Hiệu quả kinh tế khi thử nghiệm xử lý rác thải ở những dây chuyền xử lý thủ công tiết giảm được chi phí sản xuất từ 3.000 - 5.000 đồng/tấn clinker, những dây chuyền xử lý bán tự động tiết giảm chi phí sản xuất từ 8.000 - 15.000 đồng/tấn clinker", ông Nhân cho biết.
Tài nguyên đang lãng phí
Nhưng điều đáng tiếc là, dù đạt được thành công, làm chủ công nghệ biến rác thành nguyên, nhiên liệu nhưng đến nay VICEM nói riêng, ngành sản xuất xi măng ở Việt Nam nói chung vẫn khó tiếp cận nguồn rác thải, bùn thải, chất thải công nghiệp thông thường… Tức là khó tiếp cận nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất.
Có một nghịch lý là, hiện phần lớn rác thải đều đang được đem đi chôn lấp, trong khi một số ngành công nghiệp như xi măng đang “khát” rác. Điều này đang đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế tuần hoàn, xem rác thải là một nguồn tài nguyên.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong phát triển bền vững, đầy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thì không còn gì gọi là rác vì đầu ra của ngành này lại là đầu vào của ngành khác. Nhưng để làm được như vậy, cần phải có rõ ràng về cơ chế chính sách, định hướng, kỹ thuật, công nghệ, ý thức cộng đồng và việc tổ chức bài bản, phù hợp hoàn cảnh thực tế.
Ông Tùng đánh giá, hiện phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống là: chôn lấp, đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách. Như vậy, vừa lãng phí tài nguyên, lại tốn kém tiền của và gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều cách xử lý rác thải rất khoa học, tận dụng tái chế tài nguyên, mang lại nguồn lợi lớn cho xã hội, lại giảm ô nhiễm môi trường.
Rõ ràng, thực tế xử lý rác thải hiện nay đã và đang có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để nền kinh tế Việt Nam đi vào quỹ đạo của kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu tăng trưởng xanh.
Với lĩnh vực sản xuất xi măng, hiện nhiên liệu đốt từ than, dầu dần được thay thế bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày. Điều này không chỉ góp phần làm sạch môi trường mà còn giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đã khẳng định rõ: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Khánh Thư