San hô Hòn Yến ‘kêu cứu’
Trong thời gian gần đây, ngoài tác động của thiên tai mưa bão, sóng biển, nhiều người dân, du khách đã ngang nhiên giẫm đạp làm vỡ, chết nhiều loại san hô khiến hệ sinh thái san hô ở Hòn Yến đang bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng.
Khu vực Thắng cảnh quốc gia Hòn Yến, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có đặc điểm nổi bật về địa chất, địa mạo, hải dương tạo nên hệ sinh thái san hô tầng nông và rất nông trên nền đất cát và đá núi lửa rất đặc trưng.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, san hô ở Hòn Yến được ghi nhận có 17 loài (với hai dòng san hô cứng và san hô mềm). Nhiều nhất là Acroporaspicifera, Montipora foliosa. M.confuse… để bảo tồn, phát triển giá trị của hệ sinh thái san hô, cỏ biển Hòn Yến cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc cấp bách nhất là nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường rác thải, hình thành khu chức năng có chiến lược quản lý san hô. Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, du khách thăm quan trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ngoài tác động của thiên tai mưa bão, sóng biển, nhiều người dân, du khách đã ngang nhiên giẫm đạp làm vỡ, chết nhiều loại san hô khiến hệ sinh thái san hô ở Hòn Yến đang bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng.
Thực tế trong chiều 15 và 16/6, thời điểm này thủy triều rút, những rạn san hô lộ rõ, đẹp như một bức tranh có nhiều màu sắc, nhưng đây cũng là thời điểm hệ sinh thái san hô, cỏ biển Hòn Yến bị uy hiếp nhiều nhất. Nhiều đoàn khách mang theo các dụng cụ chụp ảnh tìm về “check in” với san hô. Nhiều người đã ngang nhiên dẫm đạp trực tiếp lên rạn san hô để chụp ảnh, hoặc tìm đường đi đến những khu vực có san hô khác, khiến nhiều loại san hô bị vỡ vụn.
Chia sẻ của anh Hồ Văn Trung, người dân xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Thắng cảnh quốc gia Hòn Yến có 17 loài san hô sinh sống. Để có được một quần thể san hô đẹp như như hiện tại đã mất tới hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ít có du khách đến tham quan Hòn Yến nên rạn san hô ở đây dần được phục hồi.
Tuy nhiên, hiện nay du khách đến Hòn Yến rất đông, mọi người được tự do lội xuống rạn san hô để chụp hình đã khiến san hô bị hư hại, ảnh hưởng nặng nề. “Hiện nay, quần thể san hô tại Hòn Yến đã bị suy giảm nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên cần có biện pháp ngăn chặn, hạn chế cho người dân, du khách lội trực tiếp xuống các rạn san hô để chụp hình, có như vậy mới mong giữ lại được quần thể san hô Hòn Yến," anh Trung Hồ Văn Trung kiến nghị.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa cho biết, hệ sinh thái san hô Hòn Yến rất có giá trị, cần phải được bảo tồn nghiêm ngặt. Ủy ban nhân dân huyện đã tiếp nhận thông tin về tình trạng du khách vô tư giẫm đạp lên san hô để săn ảnh, đây là một hình ảnh không đẹp.
“Ủy ban Nhân dân huyện sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành các biện pháp bảo vệ, chấn chỉnh tình trạng, người dân, du khách giẫm đạp, gây hư hại san hô," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An nói.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cần ngăn chặn tình trạng người dân du khách tự do săn ảnh ở vùng có rạn san hô; có giải pháp bảo tồn bền vững, gìn giữ những giá trị quý giá của san hô Hòn Yến.
Theo PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng nguồn lợi thuỷ sản. Do đó khi san hô chết hàng loạt và dần biến mất đồng nghĩa sản lượng cá tôm giảm, giá trị bền vững của biển cũng không còn.
Cùng quan điểm, ThS Thái Minh Quang, nghiên cứu viên của Viện Hải dương học, cho biết san hô là nơi trú ngụ của vô số động thực vật biển. Nhiều loài dù không thường xuyên ở nhưng tới mùa sinh sản chọn rạn san hô để sinh nở, nuôi dưỡng... Vì vậy san hô biến mất sẽ ảnh hưởng vòng đời của nhiều sinh vật biển.
Việc suy giảm rạn san hô có thể đánh giá từ nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tác động thiên nhiên như bão, lũ... Tuy nhiên, để xác định chính xác rạn san hô hay hệ sinh thái bị hủy diệt cần phải khảo sát, đánh giá trực tiếp, dựa vào số liệu, dữ liệu để chứng minh. "Hiện nay, chưa thể xác định được sự suy giảm hệ sinh thái tại khu bảo tồn là do thiên tai hay do con người", ông Bền cho hay.
Tương tự, tình trạng san hô chết hàng loạt cũng diễn ra tại đảo Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Đây là một trong khu bảo tồn tài nguyên môi trường biển đầu tiên tại Việt Nam được quốc tế lựa chọn để bảo tồn. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, rạn san hô này đang bị suy giảm nghiêm trọng, xuất hiện hiện tượng gãy đổ, chết trắng đáy biển trong thời gian gần đây.
“Hiện tượng suy thoái rạn san hô Hòn Mun đã được cảnh báo vài năm trở lại đây. Đến nay, mức độ suy thoái lên tới 60-90%, thể hiện qua việc giảm độ phủ san hô, sự vỡ vụn của thành tố san hô trong rạn san hô và sự suy giảm các loài quý hiếm chỉ sống ở rạn san hô. Đây là con số rất đáng báo động!”, PGS Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển Việt Nam nhận định.
Theo ông, nguyên nhân khiến rạn san hô Hòn Mun suy thoái là do biến đổi của đại dương, làm tăng nền nhiệt, axit hóa đại dương dẫn đến hiện tượng trắng hóa san hô; sự ô nhiễm hữu cơ từ đất liền, còn do hoạt động du lịch, dịch vụ ven biển, đặc biệt là hoạt động lặn biển không được kiểm soát tốt.
Lan Anh