'Sắc xanh' bao trùm, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt
Ngày 16/5, trên bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí của một số ứng dụng cho thấy, chất lượng không khí ở hầu hết các khu vực trên cả 3 miền đều ở mức chấp nhận được và tốt.
Cụ thể, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong số 19 điểm quan trắc chỉ ghi nhận 1 điểm ở Trạm khí trung tâm quan trắc phường sông Hiến (Cao Bằng) có màu cam (những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng). Có 3 điểm mức màu vàng (mức chấp nhận được) còn lại màu xanh là không khí tốt.
Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) không ghi nhận điểm quan trắc nào có màu đỏ. Hầu hết các điểm quan trắc trên cả nước có màu vàng - mức chấp nhận được, màu xanh đứng thứ 2. Với màu cam, miền Bắc có 21 điểm, miền Trung có 1 điểm, miền Nam có 11 điểm.
Ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), các điểm quan trắc trên cả 3 miền chủ yếu màu xanh, chỉ duy nhất 1 điểm ở Cẩm Tú (Đông Sơn, Thanh Hóa) có màu cam - không tốt cho nhóm nhạy cảm.
Riêng Hà Nội, Website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội chỉ ghi nhận các điểm màu vàng và xanh, tương ứng chất lượng không khí dao động ở mức trung bình và tốt, trong đó có 8 khu vực trung bình và có tới 24 khu vực ở mức tốt.
Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí, biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Để không khí trong sạch hơn, các chuyên gia môi trường cho rằng cần áp dụng những giải pháp khả thi như dùng những nguồn năng lượng sạch hơn, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế tối đa ra đường vào giờ cao điểm....
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nội dung phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân công nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc nội dung phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung của Chỉ thị.
Bộ tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; khẩn trương xây dựng và triển khai việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu trẻ em tử vong vì ô nhiễm không khí. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, ô nhiễm không khí độc hại đối với sự phát triển não bộ, sức khỏe của trẻ em và cũng độc hại cho toàn xã hội.
Chính phủ các nước trên toàn thế giới khẩn trương có những giải pháp để giảm ô nhiễm không khí như đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch hơn, có thể tái tạo được, thay thế cho việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phương tiện giao thông công cộng sạch hơn với giá thành hợp lý; tăng không gian xanh ở các khu đô thị; thay đổi hoạt động nông nghiệp, đưa ra nhiều lựa chọn xử lý rác thải hiệu quả hơn để hạn chế việc phải đốt những chất hóa học độc hại.
Minh Phương