Thứ bảy, 23/11/2024 18:48 (GMT+7)
Thứ ba, 28/09/2021 09:30 (GMT+7)

Rừng đã bị 'ăn mòn' ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Mất rừng đồng nghĩa với việc Trái Đất mất cỗ máy sản xuất oxy, động vật mất nơi cư trú, lũ lụt và hạn hán trở nên trầm trọng hơn… Thực tế, rừng đã liên tục bị "ăn mòn" trong những thập niên qua với tốc độ đáng e ngại.

Trái Đất từng được phủ kín bởi màu xanh của cây cối. Thời điểm đầu thế kỷ 20, Hà Nội cũng nằm sát rừng, thế nhưng giờ đây, rừng đã lùi ra rất xa... Chỉ tính riêng ở vùng Hà Nội, trung bình mỗi năm rừng lùi xa khỏi chúng ta khoảng 1 km. Vì sao vậy? Rừng đã, đang bị "ăn mòn" ra sao?

Theo các nhà khoa học, trong lịch sử, rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng... Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển hoá thành đất nông nghiệp để phục vụ trồng trọt nông nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những vùng như vậy hầu như đã bị khai thác hết. Còn những vùng đất dốc, kém phì nhiêu, sau khi bị chuyển đổi, thường chỉ cho năng suất thấp, rất nhanh bị bạc màu, hoặc đòi hỏi phải có những đầu tư tốn kém cho tưới tiêu và cải tạo đất.

Rừng đã bị 'ăn mòn' ra sao? - Ảnh 1
Rừng mưa Amazon ở bang Amazonas, Brazil bị cháy rụi. (Ảnh: AFP)

Rừng không chỉ bị "ăn mòn" ở trên cao, những cánh rừng ngập mặn ven biển ở khắp nơi trên thế giới cũng đang dần biến mất bởi tham vọng của con người. Tại Việt Nam, rừng ngập mặn ven biển đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm, nuôi trồng hải sản. Nhiều giai đoạn, hành động này tràn lan, không có kế hoạch khiến rừng biến mất nhanh chóng, đe dọa hệ sinh thái của một khu vực rộng lớn ven biển phía Nam.

Phá rừng để làm kinh tế, vậy nhưng do không đủ kiến thức, kỹ thuật, đầu tư, năng suất không cao và khu vực cũng chỉ cho thu hoạch được vài năm, con người lại tiếp tục hành trình di chuyển, chặt phá rừng làm ao mới.

Từng là khu vực "xanh" nhất trên dải đất hình chữ S, nhưng rừng ở Tây Nguyên cũng đã biến mất nhanh chóng trong suốt thế kỷ qua. Du canh du cư, đốt rừng làm rẫy, đi kèm với đó là thiên tai, cháy rừng khiến cho những mảng màu xanh dần "trắng, bạc, xám" hóa, sự màu mỡ xưa kia dần bị thay thế bởi sự nghèo nàn, cằn cỗi...

Nguyên nhân thứ hai, từng được các nhà khoa học rất nhiều lần nhấn mạnh đó là phá rừng để lấy gỗ làm củi đốt, không chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái lâm nghiệp mà còn khiến cho bầu không khí "sặc sụa trong muội than".

Cho đến thế kỷ XIX, trước khi khám phá ra khả năng đốt bằng than đá và dầu, chất đốt chủ yếu của con người là củi gỗ. Nhiều nước châu Âu, trong giai đoạn đầu của cách mạng khoa học kỹ thuật đã đốt gần hết rừng của mình. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, củi và than củi vẫn là chất đốt chính trong gia đình và các bếp đun đang đốt khoảng 1/4 số diện tích rừng bị tàn phá hàng năm.

Nguyên nhân thứ ba gây mất rừng vẫn xuất phát từ tham vọng của con người: khai thác gỗ để sản xuất các đồ gia dụng, sản xuất giấy, để trang trí, để làm nhà... Khoa học kỹ thuật càng phát triển, con người càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, khiến cho nhu cầu gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.

Trong khai thác gỗ, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, chỗ nào dễ thì khai thác trước, không đốn tỉa mà chặt hạ trắng, nghĩa là chặt từ bìa rừng vào, vừa chặt cây to để lấy gỗ, vừa phá hoại cây con, thì những khu vực rừng đã bị chặt phá sẽ khó cơ hội tự phục hồi lại được.

Nguyên nhân thứ tư là do cháy rừng. Rừng bị cháy do đốt rừng làm nương, làm bãi săn bắn, dùng lửa thiếu thận trọng trong rừng, thiên tai, chiến tranh... Trong mùa khô, chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá cháy dở, một bùi nhùi lửa đuổi ong ra khỏi tổ để lấy mật cũng đủ gây ra một đám cháy rừng lớn trong nhiều ngày, nhất là khi không có đủ nước, nhân lực và phương tiện để dập tắt lửa.

Chiến tranh không phải là hiện tượng phổ biến, thường xuyên. Tuy nhiên các cuộc chiến tranh thường có sức tàn phá ghê gớm. Ở Việt Nam, từ năm 1945 cho đến nay mất khoảng hơn 2 triệu ha rừng. Thậm chí, nhiều khu vực bị chất độc hoá học tàn phá đến nay vẫn chưa khôi phục lại được.

Như vậy, có năm nguyên nhân chính gây mất rừng là lấy đất, lấy gỗ, lấy củi, cháy rừng và chiến tranh. Trong đó mất rừng do cháy và chiến tranh là sự mất mát phi lý nhất. Việc phá rừng lấy đất, lấy gỗ, củi bừa bãi thực tế chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một số cá nhân. Cái lợi trước mắt mà việc làm đó đem lại nhỏ hơn nhiều so với cái hại mà nó gây ra. Vì mất rừng là Trái Đất mất cỗ máy sản xuất oxy, động vật mất nơi cư trú, nhiều loại cây quý, lâu năm bị tuyệt giống, lũ lụt và hạn hán trở nên trầm trọng hơn…

Bằng việc áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên đất, rừng, tăng cường trồng và bảo vệ rừng, các nhà khoa học hy vọng rằng diện tích rừng trên Trái Đất sẽ không bị giảm, mà còn có thể tăng lên.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Rừng đã bị 'ăn mòn' ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới