Brazil: Nạn phá rừng Amazon giảm liên tiếp
Theo số liệu sơ bộ của Chính phủ Brazil công bố, tình trạng phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon của nước này giảm tháng thứ 2 liên tiếp so với năm trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, số liệu về nạn phá rừng trong năm 2021 cũng cho thấy sự giảm nhẹ.
Được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất và là "nguồn sống" cho công cuộc chống biến đổi khí hậu, rừng Amazon cũng là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trong đó tới 60% tổng diện tích rừng nằm trong lãnh thổ Brazil.
Tuy nhiên, diện tích rừng Amazon đang ngày càng bị thu hẹp đáng kể, dần trở thành nỗi lo lớn về môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Dữ liệu từ Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, diện tích rừng bị phá trong tháng 8 là 918 km2 (tương đương 354 dặm vuông), giảm 32% so với kỳ năm ngoài. Trong đó, từ tháng 1 đến tháng 8, nạn phá rừng Amazon ở Brazil giảm 1,2% xuống còn 6.026 km2. Con số này gấp hơn 7 lần diện tích của thành phố New York (Mỹ).
Mặc dù có giảm nhẹ, song nạn phá rừng trong khoảng thời gian này vẫn khá cao, gần gấp đôi so với diện tích rừng bị tàn phá so với cùng kỳ năm 2018.
Trước đó, theo dữ liệu từ Imazon, một viện nghiên cứu tại Brazil chỉ rõ, nạn phá rừng ở Amazon tại quốc gia này đạt mức cao nhất hàng năm trong vòng một thập niên. Cụ thể, từ tháng 8/2020 - 7/2021, rừng nhiệt đới bị thu hẹp khoảng 10.476 km2, rộng gấp 7 lần diện tích của London và 13 lần diện tích của New York. Con số này cao hơn 57% so với năm trước và ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2012.
Sự tàn phá của con người vẫn đang tiếp diễn đối với rừng Amazon, khiến hơn 8.000 loài thực vật đặc hữu và 2.300 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Đặc biệt, 35% trong số này đang bị suy thoái.
Đứng trước nguy cơ này, nhà nghiên cứu Carlos Souza thuộc Viện nghiên cứu Imazon nhận định: Nạn phá rừng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Brazil hiện đang đi ngược lại chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu. Được biết, đây là một chương trình tìm kiếm các giải pháp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách khẩn cấp.
Ông cũng kêu gọi các hành động khẩn cấp của Chính phủ Brazil để ngăn chặn tình trạng tàn phá, bao gồm cả nạn phá rừng phục vụ nông nghiệp bất hợp pháp trong khu vực, vốn bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm ngân sách. Bởi theo các nghiên cứu trước đây, khoảng 18% diện tích rừng Amazon bị tàn phá, chủ yếu là do hoạt động nông nghiệp cũng như khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, có đến 17% diện tích đang ở trong tình trạng bị suy thoái.
Hiện nay, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và các vụ cháy rừng tại khu vực Amazon chính là vấn đề phức tạp của quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Brazil những năm gần đây đẩy mạnh phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, đồng thời cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của rừng Amazon.
Lan Anh (T/h)