Brazil: Nạn phá rừng Amazon đạt tới mức kỷ lục
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Brazil công bố mới đây cho thấy, nạn phá rừng ở Amazon tại quốc gia này đạt mức cao nhất hàng năm trong vòng một thập niên.
Theo dữ liệu từ Imazon, một viện nghiên cứu tại Brazil chỉ rõ, từ tháng 8/2020 - 7/2021, rừng nhiệt đới bị thu hẹp khoảng 10.476 km2, rộng gấp 7 lần diện tích của London và 13 lần diện tích của New York. Con số này cao hơn 57% so với năm trước và ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2012.
Trước đó, báo cáo của Hội đồng khoa học Science Panel for the Amazon (SPA) nhấn mạnh sự tàn phá của con người vẫn đang tiếp diễn đối với rừng Amazon, khiến hơn 8.000 loài thực vật đặc hữu và 2.300 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Đặc biệt, 35% trong số này đang bị suy thoái.
Nhà nghiên cứu Carlos Souza thuộc Viện nghiên cứu Imazon nhận định: Nạn phá rừng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Brazil hiện đang đi ngược lại chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu. Được biết, đây là một chương trình tìm kiếm các giải pháp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách khẩn cấp.
Carlos Souza cũng kêu gọi các hành động khẩn cấp của Chính phủ Brazil để ngăn chặn tình trạng tàn phá, bao gồm cả nạn phá rừng phục vụ nông nghiệp bất hợp pháp trong khu vực, vốn bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm ngân sách. Bởi theo các nghiên cứu trước đây, khoảng 18% diện tích rừng Amazon bị tàn phá, chủ yếu là do hoạt động nông nghiệp cũng như khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, có đến 17% diện tích đang ở trong tình trạng bị suy thoái.
Trong khi đó, Marcio Astrini, Thư ký điều hành của tổ chức Climate Observatory cho biết, tỉ lệ phá rừng trong năm nay dự kiến cao hơn gần 50% so với năm 2018. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cử hàng nghìn binh sĩ để chống lại nạn phá rừng và đốt rừng bất hợp pháp nhưng không hiệu quả.
Theo đó, nạn phá rừng gia tăng kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019. Tỉ lệ phá rừng năm 2020 ở mức cao nhất trong 12 năm qua và điều này vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế.
Nhà lãnh đạo Brazil cho phép khai mỏ và canh tác nông nghiệp tại các khu vực được bảo tồn ở rừng nhiệt đới Amazon, đồng thời làm giảm vai trò của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, các nhà môi trường học và các nhà khoa học cho rằng chính điều này đã trực tiếp dẫn tới nạn phá rừng ngày càng tăng. Đáng chú ý, nạn phá rừng bởi các vụ cháy rừng và chặt phá đã tăng gấp gần 4 lần vào năm 2019 so với 1 - 2 năm trước đó, từ khoảng 1 triệu ha lên 3,9 triệu ha.
Trong cùng khoảng thời gian 10 năm này, sự suy thoái do lấy đất rừng, tàn phá hoặc cháy rừng gây thiệt hại nhưng không phá hủy cây đã gây ra lượng phát thải nhiều gấp 3 lần so với việc chặt phá hoàn toàn khu rừng.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiêm trọng và ở một ngưỡng nhiệt độ toàn cầu nhất định, nó có thể khiến rừng nhiệt đới của lục địa này chuyển sang trạng thái thảo nguyên khô hạn hơn nhiều. Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với khu vực này, nơi có số lượng đáng kể các loài động vật hoang dã trên thế giới, mà còn trên toàn cầu.
Lan Anh (T/h)