Thứ sáu, 22/11/2024 13:10 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/05/2021 13:57 (GMT+7)

Phá rừng càng nhiều thiên tai càng bất thường

Theo dõi KTMT trên

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra nhiều thiệt hại đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Những hệ lụy mà con người đang phải gánh chịu đi kèm với sự gia tăng của các hoạt động làm thu hẹp diện tích rừng.

Phá rừng càng nhiều thiên tai càng bất thường - Ảnh 1
Lũ ống tràn qua thôn 1, xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) gây thiệt hạ nặng nề về người và tài sản.

Trận lũ ống trên suối Nậm Liệp kéo về bất ngờ rạng sáng 17/4 làm cho 25 hộ dân ở thôn Minh Hạ 1, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề về tài sản; Mưa lũ cũng đã khiến 3 người dân từ nơi khác đến lao động tại địa phương bị tử vong. Thương vong đáng tiếc khiến nhiều người dân bản địa bức xúc cho rằng phá rừng, xẻ núi, bạt đồi khai thác vàng, khoáng sản tại Minh Lương là một trong những nguyên nhân làm mẹ thiên nhiên nổi giận, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, hung dữ và khó dự đoán hơn.

Còn nhớ đợt mưa lũ tháng 10/2020 cũng làm thiệt hại rất lớn về cả người và của ở khu vực các tỉnh miền Trung, ước tính tổn thất về kinh tế lên đến 30.000 tỉ đồng. Dư luận thời điểm đó lên án gay gắt các dự án thủy điện nhỏ - một trong những nguyên nhân khiến bão lũ ngày càng khốc liệt.

Tìm hiểu về những hệ lụy từ hành vi phá rừng, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi nhanh với GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1989 - 2000).

- Thủy điện được nhắc đến như một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, lũ quét, lũ ống ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này có đúng không thưa ông? 

Thủy điện là một ngành kinh tế kỹ thuật làm lợi cho con người. Nhiều nước trên thế giới có xuất phát điểm kinh tế bằng thủy điện, điển hình như Mỹ, Thụy Sĩ, Nga… Trong đó, Việt Nam phát triển thủy điện từ năm 1980 với dự án đầu tiên là Thủy điện Hòa Bình, được khánh thành vào năm 1994 gồm 8 tổ máy có tổng công suất 1.920 MW. Phát triển chậm hơn, thủy điện Việt Nam có lợi thế của người đi sau, chắc chắn học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do chiến lược phát triển thủy điện “duy ý chí”, bằng mọi cách phải làm được thủy điện, bất chấp hậu quả của nó, phát triển theo cách riêng của Việt Nam với ảo tưởng “Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới hoàn thiện chiến lược phát triển thủy điện chỉ trong hơn một thập kỉ”.

Thay vì phát triển thủy điện lớn và vừa, chúng ta cho phép phát triển thủy điện nhỏ mà không lường trước những tác động tiêu cực. Trong khi đó, các nước trên thế giới chỉ làm thủy điện nhỏ phục vụ cho gia đình, trang trại… Cách làm ấy đi ngược lại với sự phát triển chung trên thế giới, và thực tế đã gây ra những hậu quả nặng nề như lũ lụt, sạt lở đất, chết người… tất cả đều đổ tội cho thủy điện.

Tuy nhiên, không phải vấn đề lũ ống, lũ quét hay lũ lụt, thiên tai triền miên đều do một mình thủy điện gây nên. Nguyên nhân cần quan tâm ở đây là nạn phá rừng phục vụ nhiều mục đích khác nhau đã làm suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật, làm mất đi chức năng giữ đất, giữ nước, chống xói mòn và điều hòa dòng chảy. Đơn cử như trận lũ ống mới xảy ra tại tỉnh Lào Cai, dư luận cho rằng nguyên nhân sâu xa là do phá rừng để khai thác khoáng sản một cách tràn lan, thiếu kiểm soát và ý kiến đó hoàn toàn có những cơ sở thực tiễn.

Phá rừng càng nhiều thiên tai càng bất thường - Ảnh 2
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Vậy riêng việc xây dựng thủy điện đã làm thu hẹp diện tích rừng như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 1 MW có thể làm mất tối đa 30 ha rừng. Từ chỗ không có thủy điện, mỗi địa phương cứ có sông suối đều “mọc” ra hàng loạt dự án thủy điện nhỏ dưới 20 MW. Nhẩm tính, mỗi thủy điện có công suất bình quân 10 MW thì hàng trăm ha rừng đã bị tàn phá.

- Tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất?

Trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét. Bốn khu vực tại Việt Nam thường xuyên xảy ra lũ quét là vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và thường liên quan đến những yếu tố gây mất ổn định trong sườn dốc, thường xác định bởi một hoặc nhiều yếu tố nguyên nhân và chỉ một yếu tố kích hoạt.

Yếu tố nguyên nhân (còn gọi được gọi là tác nhân, yếu tố môi trường, yếu tố thành phần, yếu tố khống chế) là những điều kiện tác động đến địa chất, địa hình, địa mạo, gồm các điều kiện tự nhiên khác và những yếu tố liên quan

đến các hoạt động của con người. Yếu tố kích hoạt là yếu tố chính làm cho sườn dốc bị tổn thương dẫn đến mất ổn định, là sự kiện duy nhất cuối cùng khởi phát sự cố/thảm họa sạt lở đất. Yếu tố kích hoạt có thể là các yếu tố ngoại sinh (mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá…), các yếu tố nội sinh (động đất), hoặc các yếu tố nhân sinh (phá rừng, nổ mìn, khai thác khoảng sản, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi,…).

Ở Việt Nam, mưa được coi là yếu tố kích hoạt tự nhiên chủ yếu của các thiên tai sạt lở đất và tác động của con người vào đất có ảnh hưởng đến đặc tính đất, làm đất xói mòn và do đó ảnh hưởng đến quá trình hình thành lũ quét, sạt lở đất.

Việc khai thác làm rừng nguyên sinh và phòng hộ bị tàn phá; Khai thác khoảng sản, lấn chiếm lòng suối để xây dựng công trình, nhà cửa, đường giao thông làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét. Xây dựng công trình hồ chứa (đặc biệt loại do nhân dân tự làm), đập thủy điện không đủ an toàn tạo ra nguy cơ vỡ đập gây ra dòng lũ quét nhân tạo…

Song song với các hoạt động của con người thì biến đổi khí hậu cũng đang làm gia tăng các trận mưa có cường độ lớn ở Việt Nam, diễn biến mưa phức tạp khó đoán định dẫn đến tăng nguy cơ lũ quét và khó khăn trong công tác dự báo.

- Vậy chúng ta có thể làm gì để ngăn ngừa, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thưa ông?

Việc xem xét tính thực tế về địa hình, kinh tế để tìm ra các giải pháp phù hợp là rất quan trọng. Đối với những địa bàn người dân cư trú, xây dựng ở ven sông, suối làm cản trở khẩu độ thoát lũ, hay những nơi địa chất bị đứt gãy, phong hóa, suy yếu thì các ngành chức năng cần xem xét di dời, cắm mốc để đảm bảo khẩu độ thoát lũ cho sông suối, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với thiên tai, nhất là trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất… Bên cạnh đó, cần thực hiện song song các giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn các hoạt động phá rừng, nhất là rừng tự nhiên, phát huy các hoạt động giúp tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ rừng hiện có. Để thực hiện tốt công tác này cần sự vào cuộc quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương cùng sự phối hợp giám sát, chủ động, tích cực thực hiện của người dân.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Phá rừng càng nhiều thiên tai càng bất thường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới