Rác vô giá trị, chỉ có vứt đi? Sự thật có như bạn nghĩ?
Từ trước đến nay, rác luôn được con người xem là đồ bỏ đi. Thế nhưng ít ai biết rằng rác được coi như “nguồn tài nguyên”. Cùng đi tìm hiểu sâu về vấn đề này.
Rác không vô dụng như ta nghĩ
Rác là sản phẩm tất yếu của cuộc sống. Càng ngày con người càng tạo ra nhiều rác hơn, với những thành phần phức tạp hơn. Rác thải sinh hoạt ở thể rắn thường gồm giấy, thủy tinh, kim loại, nhựa, vải, thức ăn cành cây, xác động vật,... Trong đó, các chất hữu cơ tự nhiên như lá, cành cây, thức ăn thừa, xác chết động vật,.. là những thứ rất chóng phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Khi bị phân hủy, chúng bốc mùi khó chịu, phát sinh nhiều vi trùng gây bệnh thu hút công trùng, ruồi, nhặng, chuột, bọ, tạo điều kiện cho chúng phát triển gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và truyền bệnh sang người và gia súc, Tuy nhiên, nếu sử dụng hợp lý, lượng chất hữu cơ này có thể trở thành nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân hữu cơ, khí sinh học.
Rác thải là giấy, bài, nhựa, thủy tinh, kim loại vụn là những thứ có thể tái chế hoặc sử dụng được. Tái chế tức là dùng nó làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm mới. Tái sử dụng tức là thu hồi, rửa sạch và sử dụng lại. Việc tái chế, tái sử dụng đem lại nhiều lợi ích:
- Làm giảm lượng rác thải ra môi trường.
- Tại thêm hàng hóa sử dụng.
- Tạo công ăn việc làm cho những người làm công tác thu nhặt, phân loại rác.
- Thay thế một phần nguyên liệu đầu vào, do đó tiết kiệm được tài nguyên, khoáng sản và công khai thác chúng.
- Góp phần thay đổi thói quen của con người trong tiêu thụ và thải loại.
Các chất thải cháy được như chất hữu cơ, giấy, vải, nhựa,... có thể dùng làm chất đốt, lấy nhiệt cung cấp cho sưởi ấm, sấy hàng hóa. Tuy nhiên, phương pháp này có thể sinh ra nhiều loại khí độc có hại cho sức khỏe. Những phần không thể tái chế, tái dụng, làm phân bón được của rác thải có thể dùng làm vật liệu san lấp trong xây dựng.
Như vậy, rác thải không hoàn toàn là thứ bỏ đi, vô giá trị mà vấn đề là con người đối xử với chúng như thế nào.
Các nước phát triển thu gom rác như thế nào?
Rác là một vấn đề môi trường, nhất là ở các thành phố lớn, cùng với mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, rác thải cũng ngày càng nhiều. Xử lý rác thải đã trở thành vấn đề nóng bỏng của các thành phố trên thế giới. Ở Nhật Bản, rác được phân loại thành hai loại: rác cháy được và không cháy được để riêng trong những túi có màu khác nhau.
Hàng ngày, khoảng 9 giờ sáng họ đem các túi đựng rác đó ra đặt cạnh cổng. Công ty vệ sinh thành phố sẽ cho ô tô đến từng nhà đem các túi rác đó đi. Nếu gia đình nào không phân loại rác, để lẫn lộn vào một túi thì ngay hôm sau sẽ bị công ty vệ sinh gửi giấy báo đến phạt tiền. Với các loại rác cồng kềnh như tivi, tủ lạnh, máy giặt,... thì quy định vào 15 hàng tháng đem đặt trước cổng đợi ô tô đến chở đi, không được tùy tiện bỏ những thứ đó ở hè phố.
Sau khi thu gom rác vào nơi quy định, công ty vệ sinh đưa loại rác cháy được vào lò đốt để tận dụng nguồn năng lượng cho máy phát điện. Rác không cháy được cho vào máy ép nhỏ rồi đem chôn sâu dưới lòng đất. Cách xử lý rác thải như vậy vừa tận dụng được rác vừa chống được ô nhiễm môi trường.
Phân loại và thu gom rác đã trở thành một việc làm bình thường ở các nước phát triển, túi đựng rác là do các gia đình bỏ tiền mua ở cửa hàng. Ở những nước này, dân chúng coi rác thải sinh hoạt không phải đồ bỏ đi mà cố gắng tận dụng những thứ còn có ích như giấy cũ, túi nilon, mảnh thủy tinh, săm lốp cũ, thậm chí cả những độ điện hỏng nhằm đem lại lợi ích cho nhà nước, đồng thời làm cho sạch môi trường sống của họ hơn.
Phạm Thu