Rác thải nhựa sẽ trở thành vật liệu xây dựng ‘lý tưởng’
Dự án Octoplastic của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực. Với dự án này có thể giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, hằng năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Riêng ở Việt Nam, lượng rác nhựa ra đại dương từ 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm, đứng thứ 4 thế giới.
Mặc dù số lượng rác thải nhựa là vô cùng lớn nhưng hầu như chúng không được xử lý hoặc đa số lượng nhựa được xử lý bằng phương pháp thủ công như đốt lò hoặc chôn lấp gây ra nhiều hậu quả khác và không triệt để.
Loại nhựa polystyrene (nhựa PS) chiếm tỉ lệ lớn, thường dùng làm các hộp cơm, ly nhựa nhưng ít được chú ý trong những chương trình giải quyết vấn đề môi trường.
Hiện nay có hơn 50 % lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau đó chúng bị vứt ra ngoài môi trường, không được thu gom và xử lý, đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Đặc biệt, trong nhựa có chứa một chất độc hại là DEHP, chất độc này có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng giới tính và sinh lý ở trẻ.
Từ thực trạng đó, năm sinh viên khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh) đã lên ý tưởng biến rác thải nhựa thành vật liệu hữu dụng với dự án Octoplastic, phát triển mô hình “sản xuất gạch nhẹ từ vật liệu thải”.
Quy trình làm gạch gồm ba công đoạn chính:
Bước 1: Rửa sạch, cắt các hộp, ly nhựa PS và nghiền nhỏ thành dạng hạt
Bước 2: Cho xi măng vào cùng hạt đã nghiền để tạo hỗn hợp chất kết dính
Bước 3: Cho hỗn hợp vào khuôn, phơi khô trong vòng 24 giờ.
Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại (khoảng 30 lần trong thời gian dài), nhóm tìm đúng tỉ lệ “vàng”. Một viên gạch thành phẩm có thể tạo ra từ 500g nhựa PS, khoảng 50% khối lượng gạch, đồng nghĩa giảm từng ấy nhựa cho môi trường, đạt tiêu chuẩn mác bê tông M50 của Việt Nam (TCVN 1450:2009); khả năng cách nhiệt 90%; không bắt cháy ở điều kiện thường và khả năng cách âm đạt 60 - 70%.
Từ những viên gạch thô, nhóm dùng làm các miếng ốp tường, lót sân hoặc làm các chậu cây trang trí, đồ lưu niệm...
Theo Nguyễn Lê Nguyên Phương, thành viên dự án Octoplastic cho biết, lượng nước thải ra khi qua giai đoạn tiền xử lý, phần lớn là từ rác nhựa sinh hoạt. Vì thế, loại nước thải này gần như không độc hại, không chứa kim loại nặng và dễ phân hủy hữu cơ. Đồng thời, nước thải có thể được trung hòa và sử dụng lại cho các quy trình tiếp theo dẫn đến việc xử lý dễ dàng hơn cho đơn vị xử lý nước thải.
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ, Dự án không đơn thuần tái chế nhựa mà còn cả tro bay, bùn thải. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp nhựa với tro bay hoặc bùn thải thay cho xi măng, tạo thành một hỗn hợp chất kết dính hiệu quả. Tro bay, bùn thải và nhựa thải được kết hợp theo tỉ lệ thích hợp để cho hiệu quả cao nhất.
Ngoài sản phẩm gạch nhẹ, nhóm nghiên cứu cũng đang xây dựng các tấm cách nhiệt, cách âm từ rác thải nhựa cho nhiều ứng dụng khác.
Cũng theo cô Phụng, dự án hoàn toàn có thể được thương mại hóa nhưng trước hết cần chuẩn hóa nguồn nguyên liệu. Rác thải nhựa cần được thu gom, phân loại theo tiêu chuẩn để có nguồn đầu vào sạch cho quá trình làm gạch...
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), giải pháp đột phá vẫn là thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt của người dân; thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa, xả thải gây ô nhiễm môi trường.
“Từng vùng nước, từng địa bàn, từng địa điểm nếu có rác thải nhựa thì phải thu gom, xử lý. Cần tăng cường hơn trách nhiệm của các địa phương quản lý những vùng nước, khu vực có rác thải nhựa trôi nổi trong môi trường. Quan trọng hơn nữa là cách thức tổ chức để thu gom rác phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với đặc thù của môi trường để thu gom triệt để, hiệu quả và thuận lợi”, ông Tài lưu ý.
Theo ý kiến của Thạc sĩ Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, những hậu quả và tác động khôn lường đối với môi trường và các loài thực vật, sinh vật biển; rác thải nhựa còn tác động trở lại đối với sức khỏe con người. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hoá chất trong đồ nhựa dùng một lần cũng sẽ gây ra những nguy cơ mắc các loại bệnh như dị ứng, viêm gan, ung thư hoặc làm rối loạn hệ thần kinh, nội tiết dẫn đến vô sinh.
Ngọc Ánh