Vì môi trường biển không rác thải nhựa
Biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng từ rác thải, trong đó chiếm tỉ trọng lớn và thời gian phân huỷ lâu nhất là rác thải nhựa.
Thảm họa ‘ô nhiễm trắng’
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương.
Các báo cáo và nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỉ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 5 nghìn tỉ túi nilon sử dụng một lần; khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.
Hiện nay, mức tiêu thụ nhựa bình quân 43kg/người so với năm 1974 chỉ khoảng 2 kg. Nếu xu hướng này tiếp diễn, đến năm 2050, ước tính 25 tỉ tấn nhựa được sản xuất và theo đó khoảng 13 tỉ tấn được thải bỏ trở thành rác thải. Theo kịch bản thường, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ kèm theo khoảng 1 tấn rác thải ở các đại dương.
Theo Tổ chức National Geographic, khoảng 700 loài sinh vật biển đã chịu những ảnh hưởng từ ô nhiễm rác nhựa như rùa biển, cá voi, cá heo, hải cẩu, sư tử biển và chim biển. Mỗi năm, có 100.000 sinh vật biển chết do ô nhiễm rác thải nhựa. 56% các loài cá heo và cá voi đã ăn phải nhựa. Ước tính đến năm 2050, khoảng 99% chim biển đều tiêu thụ nhựa. Việc tiêu thụ nhựa làm giảm tuổi thọ và khả năng sinh sản của các loài sinh vật.
Các nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải khổng lồ của Việt Nam phát thải vào đại dương là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.
Nhựa chiếm đến 64% tỉ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.
Thay đổi thói quen vì môi trường
Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, giảm 75% rác thải nhựa đại dương, 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; tất cả các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa...
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giải pháp đột phá vẫn là thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt của người dân; thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa, xả thải gây ô nhiễm môi trường.
“Từng vùng nước, từng địa bàn, từng địa điểm nếu có rác thải nhựa thì phải thu gom, xử lý. Cần tăng cường hơn trách nhiệm của các địa phương quản lý những vùng nước, khu vực có rác thải nhựa trôi nổi trong môi trường. Quan trọng hơn nữa là cách thức tổ chức để thu gom rác phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với đặc thù của môi trường để thu gom triệt để, hiệu quả và thuận lợi”, ông Tài lưu ý.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường biển cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là chính quyền các địa phương có biển cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng cư dân ven biển ít nhất mỗi năm hai lần.
Trong đó, cần lưu ý việc bố trí các thiết bị lưu chứa và các địa điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân trên địa bàn trong thu gom; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn...
Một nhà khoa học của Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết với những loại như phao, xốp, nhựa, túi nilon... là rác không phân hủy nếu để lâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường của biển.
Hậu quả trực tiếp là gây nhiễm độc các loại thủy hải sản nuôi trồng, đánh bắt khu vực ven bờ, sẽ làm suy thoái tới các hệ sinh thái ven biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, các động vật biển quý hiếm, mất bãi đẻ của các loài rùa biển...
Hoài Thu