Quốc lực nhìn từ hình tượng 'những ngón tay'
Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn ở cương vị Thủ tướng, tháng 11/2016, khi đại biểu hỏi Chính phủ khóa mới có phải là một tập thể tốt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu hình tượng các ngón tay cùng trên một bàn tay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi, “Thủ tướng có nhận xét, đánh giá gì về phẩm chất, trí tuệ, năng lực và hiệu quả hoạt động của các thành viên Chính phủ? Đây có phải là một tập thể cộng sự tốt với Thủ tướng để thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo hay không?”
Thời điểm đó, Chính phủ khóa mới kiện toàn chưa được 7 tháng, theo Thủ tướng, tập thể Chính phủ có 27 thành viên, trong đó rất nhiều thành viên xuất sắc, một số thành viên cần phấn đấu hơn.
“Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều trên một bàn tay cùng thống nhất hành động”, ông trả lời, “đoàn kết trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân”.
Thủ tướng nghĩ đến hình tượng bàn tay còn bởi khi giữ cương vị mới này, ông nung nấu quyết tâm ra sức tích lũy quốc lực, đưa nền kinh tế đất nước vào thời kỳ phát triển mới và muốn làm được như vậy, chỉ còn cách đặt trọn ý chí vào, “bàn tay ta làm nên tất cả/ có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Sôi sục công cuộc “biến sỏi đá thành cơm”, Thủ tướng liên tục đốc thúc cả bộ máy chính quyền phải nỗ lực để Việt Nam bứt phá mạnh mẽ; để Việt Nam không bị dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình; để Việt Nam không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự phồn vinh; để mọi người dân Việt Nam no đủ, không ai phải đứng bên lề của sự phát triển.
“Làm ì ạch thì không thể có được cuộc cách mạng. Muốn cách mạng thì không thể chậm trễ, chần chừ. Bảo thủ, trì trệ thì làm sao thành công được?”, Thủ tướng tin “cùng có khát vọng, cùng chung ý chí, con đường tới thịnh vượng của đất nước sẽ ngày càng rộng mở”.
Truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi các bộ, ngành đã “dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn”.
Truyền cảm hứng cho các địa phương, ông kêu gọi, “tỉnh nào cũng có lợi thế phát triển, khi các tỉnh ý thức được thế mạnh của mình để nỗ lực cùng cả nước thì nền kinh tế cũng theo đó ngày càng đi lên. Địa phương mạnh, Trung ương sẽ mạnh”.
Truyền cảm hứng cho người dân, ông bày tỏ, “phải làm sao sử dụng nguồn lực của nhân dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất”.
Như thực tế “sử dụng nguồn lực của nhân dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất”, trong 6 tháng qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia 3 “nhất” trên thế giới trong chiến đấu với dịch bệnh.
Đó là, có chi phí chống dịch bệnh thấp nhất; tỉ lệ người nhiễm bệnh trên 1 triệu dân thấp nhất, chưa có ca nào tử vong; tỉ lệ người dân có niềm tin vào công tác chống dịch của Chính phủ cao nhất thế giới.
Những ngày này, tại Nghị trường Kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội đánh giá về quốc lực nhìn từ những ngón tay sau 4 năm ra sức tích lũy.
Mặc dù chưa hài lòng về vai trò tham mưu của bộ, ngành, của Chính phủ có nhiều bất cập khiến hồi tháng 3, doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long gặp phen “lên bờ xuống ruộng”, nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Xuân vẫn xin Quốc hội dành cho thêm ít giây để nói lời kết luận.
Ông Xuân nhắc lại, “giữa năm 2019, tại diễn đàn Quốc hội, tôi có phát biểu, Chính phủ rất lăn lộn, tất bật, ý nói Chính phủ chúng ta "rất khỏe". Giờ đây, tôi thấy Chính phủ không những khỏe mà còn rất giỏi”.
Gửi lời chúc “trong thời gian tới, Chính phủ chúng ta tiếp tục khỏe và giỏi để điều hành đất nước thành công”, vị đại biểu này “xin được thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao về quản lý, điều hành của Chính phủ, lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ hành động và kiến tạo ngày càng thể hiện rõ nét”.
“Khỏe và giỏi”, ngân sách nhà nước thoát khỏi thời kỳ nguy hiểm. Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) so sánh, cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 54,7% GDP, giảm gần 7% so với mức 61,3% GDP năm 2015.
“Khỏe và giỏi”, nên túi tiền quốc gia, theo nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, “có của ăn của để”.
Quy mô thu ngân sách ngày càng mở rộng. Năm 2019, tăng 1,81 lần so với năm 2014, tính chung quy mô thu ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2015-2019 gấp 1,82 lần giai đoạn 2010-2014. Tổng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 24,9% GDP, vượt hơn một điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra.
Thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân tăng khoảng 8,3%/năm và các năm đều vượt dự toán với giá trị lớn đã góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính. Cơ cấu thu ngân sách ngày càng tăng tính bền vững. Tỉ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 82% năm 2019, đáng chú ý, không còn lệ thuộc vào thu từ dầu thô.
“Khỏe và giỏi”, Chính phủ làm việc tưởng như không có ngày và đêm, không bỏ sót bất kỳ vấn đề nóng nào.
Đặt vấn đề, “kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư chất lượng cao, nhưng 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết họ rất khó trong việc tìm lao động chất lượng; mức năng suất lao động của Việt Nam thì đang xếp cuối trong các nước khu vực Đông Nam Á”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nhắc luôn đến Chỉ thị 24 của Thủ tướng ban hành ngày 28/5/2020 và thấy nếu làm tốt Chỉ thị này thì kỳ vọng sẽ không trở thành thất vọng.
Nhận định, “bước đầu thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế”, đại biểu Bùi Thành Tùng (Hải Phòng) thống kê hàng loạt văn bản chỉ đạo; hàng loạt hội nghị, hàng loạt cuộc làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng với các địa phương…
Còn theo thống kê của đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang), trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều văn bản triển khai kịp thời hằng năm ngay từ ngày đầu tháng 1.
Ông Thực lấy ví dụ năm 2020, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hết tháng 1/2020 các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật và quản lý kiểm tra chuyên ngành chiếm 97%; cắt giảm được 12.600 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành…
Liên quan đến hình tượng “các ngón tay chung một bàn tay”, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) nêu, tính đến đầu tháng 4/2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, khoảng 2.600 xe hàng hóa hóa xuất, nhập khẩu tồn đọng tại các cửa khẩu.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh nhạy, quyết liệt chỉ đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trực tiếp đến cửa khẩu biên giới, chỉ đạo sát sao. Hiện nay, lượng hàng tồn đọng kéo dài tại các cửa khẩu trên địa bàn của tỉnh cơ bản được giải quyết, lưu lượng hàng hóa được thông quan đạt trên 800 xe/ngày…
Chỉ còn một năm nữa, Chính phủ khóa XIV sẽ hoàn thành sứ mệnh. Đúng lúc năm cuối nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 bất thần ập đến.
Những ngày đầu tháng 4, thời điểm khó khăn nhất trong chiến đấu với “giặc” dịch bệnh, Thủ tướng vẫn họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để nhấn mạnh yêu cầu cả bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương không nản lòng, không lùi bước, vượt lên khó khăn để tạo nền tảng tốt nhất cho GDP năm tới bật dậy ở mức tăng trên 7%.
Dịch bệnh khiến ngân sách nhà nước lao đao, đầu vào có thể hụt thu lên đến trăm nghìn tỉ đồng, trong khi phải chi hàng chục nghìn tỉ đồng ứng phó với tác động của dịch bệnh. Đến nay, kết quả thu ngân sách 5 tháng mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức rất thấp từ năm 2014 đến nay.
Nhưng Chính phủ chung một nỗ lực cao độ, thống nhất hành động để không phải chuyển giao lại gánh nặng nợ nần.
Bộ trưởng Tài chính cho biết ngay cả trong kịch bản xấu nhất, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm và nợ công của nhiệm kỳ này cũng không “vượt rào” so với kế hoạch đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn câu chuyện ra sức tích lũy quốc lực và tình đoàn kết của các ngón tay cùng trên một bàn tay không chỉ là câu chuyện của nhiệm kỳ này.
Ông đang rất cố gắng bảo toàn cho sức mạnh “khỏe và giỏi” của Chính phủ sẽ còn tiếp tục trong nhiệm kỳ sau và trong dài lâu.
Lê Châu