Quảng Ninh - Hải Phòng: Đẩy mạnh hợp tác trên nhiều phương diện
Tại buổi làm việc đánh giá kết quả công tác phối hợp 2 năm qua của 2 địa phương diễn ra tới đây, Quảng Ninh và Hải Phòng dự kiến xem xét tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết phát triển giữa hai bên.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện
Từ năm 2009, tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đã ký chương trình hợp tác để cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 54-NQ/TW, Nghị quyết số 32-NQ/TW, Kết luận số 47-KL/TW của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Các nội dung hợp tác phát triển được 2 địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến những phối hợp mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn đã ký kết hợp tác.
Thời gian gần đây, Quảng Ninh và Hải Phòng tiếp tục thúc đẩy trao đổi hợp tác liên kết mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, trong phát triển hạ tầng giao thông, hai bên thống nhất chủ trương cân đối ngân sách địa phương, phối hợp báo cáo Bộ GTVT đề nghị triển khai đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL10, đoạn từ nút giao với QL18A (Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng).
Đây là dự án có quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, theo nguyên tắc đoạn, tuyến đi qua địa phương nào thị địa phương đó thực hiện.
Hai bên cũng ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng. Đặc biệt, tích cực phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy, cảng biển; phát triển vận tải hành khách công cộng (xe điện, xe bus...) kết nối từ trung tâm TP.Hải Phòng đến trung tâm TP.Hạ Long và ngược lại, góp phần giao thương, phát triển kinh tế xã hội giữa 2 địa phương và kết nối phát triển kinh tế liên tỉnh, vùng, liên vùng thời gian tới.
Điểm nhấn trong phối hợp của 2 địa phương giai đoạn 2020 - 2021 là thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh.
Các cơ quan chức năng hai bên đã tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đảm bảo nhanh, gọn, thông thoáng để khai thác hiệu quả cảng biển Quảng Ninh gắn kết với cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng nhập khẩu, xuất khẩu thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong phát triển du lịch, hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, đặc biệt các hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên; đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chia sẻ và cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 và hành khách đi/đến qua sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Các nội dung hợp tác về đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm tại các vùng tiếp giáp giữa 2 tỉnh, thành phố; vệ sinh môi trường vùng giáp ranh, vùng bờ, vịnh; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử ven sông Bạch Đằng cũng được 2 địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực.
Tiền đề cho những bứt phá mới
Với vị trí địa chính trị, Quảng Ninh và Hải Phòng được Trung ương đặt trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; được xác định là trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Vì vậy để phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh, phù hợp với thế mạnh của mỗi thành phố, Quảng Ninh và Hải Phòng xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển của 2 địa phương.
Tại buổi làm việc đánh giá kết quả công tác phối hợp 2 năm qua của 2 địa phương diễn ra tới đây, Quảng Ninh và Hải Phòng dự kiến xem xét tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết phát triển giữa hai bên. Trong đó, thúc đẩy hợp tác tổ chức liên kết công tác quy hoạch xây dựng, giao thông, phát triển công nghiệp, cảng biển... để hình thành các vùng phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Qua đó, phát huy các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh và tăng khả năng liên kết, thúc đẩy phát triển cân bằng của các vùng; thúc đẩy liên kết với các khu vực xung quanh để phát triển kinh tế, hạ tầng đảm bảo sự bền vững, hài hòa với môi trường; nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và quốc tế.
Với lợi thế về dịch vụ du lịch, 2 địa phương sẽ triển khai tích cực kế hoạch thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh; nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch giữa hai bên trên cơ sở tổ chức kết nối các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) và các khu, điểm du lịch để tạo thành tour du lịch cụ thể kết nối 2 địa phương.
Cùng với đó, tích cực phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành nâng cấp các tour du lịch cụ thể hoàn chỉnh kết nối các điểm đến du lịch của Quảng Ninh - Hải Phòng; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và phối hợp tổ chức quảng bá rộng rãi để thu hút khách du lịch; phát huy vai trò của các hiệp hội du lịch, hiệp hội nghề nghiệp khác để liên kết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch giữa 2 địa phương, triển khai hiệu quả chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và các hoạt động kích cầu du lịch nội địa do Bộ VHTT&DL phát động để cùng thúc đẩy thu hút du khách đến 2 địa phương.
Huy Tưởng