Phát triển bền vững các vùng vịnh ở Quảng Ninh và Hải Phòng
Thông tin từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, Quỹ Môi trường Thế giới Pháp (FFEM) vừa cấp một khoản viện trợ không hoàn lại 1,2 triệu euro cho dự án quản lý tổng hợp các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng cửa sông Hải Phòng.
Theo Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), là biểu tượng du lịch của Việt Nam nằm trong danh sách di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long là khu vực có hoạt động kinh tế mạnh mẽ. Điều này tạo ra sự đe dọa lớn đối với việc bảo tồn sự đa dạng sinh thái của Hạ Long đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động du lịch, khai thác than và các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
Trước tình hình này, Quỹ Môi trường Thế giới Pháp (FFEM) đã tài trợ cho một dự án hỗ trợ quản lý tổng hợp các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và cửa sông Hải Phòng, để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các vùng bờ này, với một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1,2 triệu euro. Dự án này do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) quản lý nguồn vốn; FFEM, Tổng Cục Biển và Hải đảo triển khai thực hiện.
Dự án này được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm của Pháp về quản lý tổng hợp vùng bờ với khái niệm về Hợp đồng Vịnh, thực tế là một mô hình Quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường tại có sự tham gia của các bên liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên tại cùng một khu vực. Dự án được thực hiện trong thời gian 3 năm với mục tiêu nhằm phát triển phương pháp tiếp cận tổng thể về quản lý tổng hợp vùng bờ tại khu vực cửa sông Hải Phòng, vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Nhờ đó, các kết quả của dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ; thiết lập cơ chế phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tổng hợp vùng bờ tại 2 địa phương và Trung ương. Từ đó góp phần triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên của dự án, tiến hành đánh giá tổng thể hiện trạng vùng cửa biển Hải Phòng và các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Trên cơ sở đó, các đơn vị nghiên cứu sẽ cùng thống nhất để phát triển một phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ thông qua một “Hợp đồng vịnh”.
Sau đó, các hành động thí điểm sẽ được triển khai thực hiện để giải quyết những vấn đề chủ yếu ảnh hưởng đến các vịnh. Các hoạt động này sẽ được triển khai với sự hỗ trợ của cộng đồng đô thị Brest (Pháp).
“Dự án này là một ví dụ tuyệt vời về chuyển giao kiến thức. Cộng đồng đô thị Brest, đối tác của dự án, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý tổng hợp vùng bờ. Mặt khác, dự án cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược giai đoạn 2019 - 2022 của FFEM, chiến lược này tạo thuận lợi cho sự tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các vùng duyên hải thông qua việc quản lý những hoạt động sử dụng tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường và hỗ trợ cho sự phát triển các ngành nghề bền vững”, bà Janique Etienne - cán bộ phụ trách các dự án đại dương và các giải pháp dựa trên tự nhiên của FFEM cho hay.
Cũng theo bà Janique Etienne, dự án khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các vùng vịnh, cũng như giảm tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường, đồng thời đóng góp cho sự phát triển khuôn khổ pháp lý về triển khai phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ.
Trong buổi hội thảo khởi động dự án, đại diện các bên đã cùng thảo luận về kế hoạch thực hiện, các giai đoạn triển khai dự án cũng như trình bày hiện trạng về quản lý tổng hợp vùng bờ ở tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, chia sẻ những kinh nghiệm về mô hình quản lý tổng hợp thông qua các hợp đồng vịnh ở Pháp.
Ông Vũ Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, do một số nguyên nhân khách quan cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp nên dự án triển khai chậm trễ so với dự kiến ban đầu. Phó Tổng cục trưởng mong muốn với sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Quỹ Môi trường toàn cầu Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, các Sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, các cơ quan, Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, việc triển khai thực hiện dự án sẽ hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Việt Nam nói chung và 2 địa phương nói riêng.
Lan Anh