Khai thác tiềm năng, lợi thế biển đảo (Bài cuối)
Kinh tế biển đã thành một trong những bộ phận chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Khai thác các vùng biển, ven biển, đảo của nước ta đã tạo động lực mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng...
Lợi thế về địa hình, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên biển
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhận định, từ góc độ địa chính trị cấu trúc địa hình, không gian địa lý của Việt Nam có những nét riêng khá độc đáo và nhiều lợi thế. Với chiều dài bờ biển 3.260 km và không gian biển rộng lớn. Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền.
Do vậy, Việt Nam cũng là quốc gia có Chỉ số duyên hải cao. Ở đất liền cũng như ở biển của Việt Nam đã chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. “Như vậy, theo quy định tự nhiên, Việt Nam có đủ điều kiện căn bản để trở thành một quốc gia hướng biển”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Dũng khẳng định.
Xét từ góc độ địa thế và hình dáng lãnh thổ đất nước, Việt Nam có một vị trí chiến lược rất quan trọng, có thể thấy trên bản đồ địa chính trị khu vực như một cầu nối hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của châu Á. Việt Nam là cửa giao thương với các nền kinh tế biển khu vực, đồng thời cũng là cửa khẩu đi vào hệ thống giao thông đường bộ trên đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Với không gian biên giới đất liền và biển dài và hẹp, Việt Nam thực sự là trung tâm kinh tế thương mại trong khu vực Đông Nam Á, dễ dàng kết nối với nhiều vùng biển khác.
Vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và hiện nay là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Từ xưa đến nay, đây luôn là con đường huyết mạch nối liền Đông bán cầu và Tây bán cầu. Việt Nam cũng nằm tại khu vực có nhiều nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay như: Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á khác. Với vị trí đó, Việt Nam đã biết khai thác những lợi thế của biển đưa lại và cũng là quốc gia có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế phát triển giao thương và đảm bảo an toàn hàng hải.
Ngoài ra, vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển... Bờ biển Việt Nam cũng có nhiều vũng, vịnh sâu kín gió, rất thuận lợi để làm cảng biển. Việt Nam được thiên nhiên ban phú cho nhiều bãi tắm đẹp, có giá trị nghỉ dưỡng cao. Theo thống kê, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp nhất của thế giới như: bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo gió (Bình Định), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), đặc biệt là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Những lợi thế về địa hình, khí hậu tài nguyên thiên như đã phân tích ở trên được khai thác sẽ tạo ra những lợi thế cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển đảo nói chung ở Biển Đông nói riêng. Việc xác lập chủ quyền biển của Việt Nam theo thông lệ quốc tế sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta khai thác được lợi thế địa chính trị của đất nước nói chung, biển đảo nói riêng. Vì thế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, nhất là ở Biển Đông việc khai thác các lợi thế về địa chính trị, tài nguyên, không gian đất liền và biển... là vô cùng quan trọng.
Khai thác quan hệ quốc tế bảo vệ lợi ích và chủ quyền
Ông Nguyễn Thạch Đăng, Cục trưởng Cục Quản lý, điều tra cơ bản biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, hoạt động đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc tế đã góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Cho đến nay, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tôn trọng và ủng hộ. Các vùng biển của Việt Nam về cơ bản được bảo vệ theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, giữ vững quan hệ với các nước láng giềng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Tại các diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc duy trì lập trường chung, tham vấn nội bộ, thúc đẩy và dần kéo các bên tại các diễn đàn tích cực thảo luận, đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC). Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, thông tin đối ngoại được đẩy mạnh nhằm làm rõ hơn chủ trương, lập trường dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Hợp tác quốc tế trên biển với các nước được mở rộng, bước đầu tranh thủ được sự hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế về vốn, tri thức và công nghệ. Nhiều dự án hợp tác song phương, đa phương giữa các cơ quan khoa học công nghệ liên quan tới biển của Việt Nam với các đối tác thuộc các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế được đẩy mạnh. Việt Nam đã cử một số nhà khoa học đại diện trong các tổ chức khoa học công nghệ biển quốc tế và khu vực, bước đầu thể hiện được tiếng nói nhất định. Các lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố tràn dầu; nghiên cứu khoa học công nghệ, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển... ngày càng được mở rộng và tăng cường. Việt Nam đã ký kết, gia nhập 26 công ước và các Nghị định thư về hàng hải, lao động trên biển, 28 hiệp định hàng hải song phương và 30 thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn thuyền viên.
Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động trao đổi và mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực như: Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ... trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đánh bắt cá, tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển. Các kế hoạch, chương trình đã được cụ thể và hiện thực hóa bằng Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Nghị quyết số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020.
Cục trưởng Nguyễn Thạch Đăng cho rằng, ở các mức độ, cách thức khác nhau, Việt Nam đã khai thác tiềm năng lợi thế của biển đảo từ xa xưa cho đến nay, từ không gian địa lý, văn hóa lịch sử đến các cơ sở vật chất hiện có và từ các quan hệ quốc tế và khu vực. Nhờ vậy đã tạo nền móng vững chắc để Việt Nam xây dựng kinh tế biển trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế đất nước. Chính điều đó sẽ tạo nên thế và lực cho Việt Nam trong hội nhập sâu rộng với ASEAN, với thế giới, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khai thác tiềm năng lợi thế biển đảo cần được đẩy mạnh hơn nữa trong nghiên cứu, thực thi các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.