Thứ tư, 16/04/2025 05:55 (GMT+7)
Thứ ba, 15/04/2025 10:19 (GMT+7)

Chi tiết các mốc thời gian kế hoạch sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã

Theo dõi KTMT trên

Ban Chỉ đạo Trung ương nêu rõ nội dung, nhiệm vụ thực hiện sáp nhập tỉnh, xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp cùng mốc dự kiến hoàn thành.

Chi tiết các mốc thời gian kế hoạch sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã - Ảnh 1
Trung ương ban hành Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã. Ảnh minh họa

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, đã ký ban hành Kế hoạch số 47 của Ban Chỉ đạo về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.

Kế hoạch nêu rõ thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; để việc thực hiện bảo đảm đúng tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, với Đảng ủy Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề nghị phối hợp với Đảng ủy Quốc hội hướng dẫn các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Thời gian dự kiến hoàn thành là 20/4.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, đặt tên, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, bảo đảm số lượng xã, phường, đặc khu sau sáp nhập của từng tỉnh, thành phố theo đúng định hướng; về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện… Các công việc này dự kiến hoàn thành vào 25/4.

Việc ban hành hướng dẫn về bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; lựa chọn vị trí, bố trí trụ sở làm việc, nhà công vụ sau sắp xếp đơn vị hành chính; về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ… khi không tổ chức cấp huyện; về quản lý, xử lý trụ sở, tài sản, đất đai dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính… cũng được yêu cầu hoàn thành vào 25/4.

Ban Chỉ đạo yêu cầu ban hành hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tổ chức lại hệ thống thanh tra… với mốc thời gian hoàn thành là 5/5.

Việc ban hành quy định, hướng dẫn kết thúc thanh tra cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức thuộc thanh tra cấp tỉnh được yêu cầu hoàn thành vào 30/6.

Việc sắp xếp các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nhà nước, bảo hiểm xã hội, thống kê… đồng bộ với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, được Ban Chỉ đạo yêu cầu hoàn thành vào 31/12.

Trước đó, mốc thời gian 15/9 là thời điểm cần nghiên cứu, ban hành chính sách nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Với Đảng ủy Quốc hội, Ban Chỉ đạo yêu cầu xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước 15/9. Việc này dự kiến hoàn thành vào 30/6.

Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cần sáp nhập cơ quan phát thanh, truyền hình cấp tỉnh vào cơ quan báo của đảng bộ cấp tỉnh; kết thúc thanh tra cấp huyện, sắp xếp thanh tra cấp tỉnh; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Nhiệm vụ này dự kiến hoàn thành vào 31/7.

Với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thuộc diện sắp xếp, trước khi sáp nhập cần lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh ủy, thành ủy nơi được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới chủ trì, phối hợp chặt chẽ với tỉnh ủy, thành ủy (đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sáp nhập) xây dựng Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện đề án, trình Chính phủ, hoàn thành vào 1/5.

Kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để cải cách tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Khẩn trương số hóa tài liệu, đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp.

Kiểm soát chặt chẽ tình hình, bảo đảm an ninh trật tự ở các địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người hoặc phát sinh điểm nóng, phức tạp.

Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, chủ động, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả, xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.

Sơn Hà

Bạn đang đọc bài viết Chi tiết các mốc thời gian kế hoạch sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới