Thứ sáu, 19/04/2024 08:36 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/05/2022 13:00 (GMT+7)

Quảng Bình: Phủ xanh hàng trăm hecta đồi cát sau khai thác khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Sau 10 năm khai thác khoáng sản, giờ đây, trên những đồi cát trắng ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được phủ xanh hơn 100ha cây keo lai, tràm hoa vàng nhờ chính sách hoàn thổ diện tích khai thác.

Xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình 10 năm trước là vùng cát trắng, cây cối khó phát triển. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị khai thác khoáng sản titan.

Việc khai thác khoáng sản và hoàn thổ lại diện tích đã khai thác là điều bắt buộc. Những năm qua, việc hoàn thổ diện tích khai thác khoảng sản đã đạt kết quả tốt. Hiện nay, hàng trăm hecta vùng đồi cát cằn cỗi nay đã được phủ xanh bằng các loại cây thích ứng với môi trường.

Quảng Bình: Phủ xanh hàng trăm hecta đồi cát sau khai thác khoáng sản - Ảnh 1
Chăm sóc cây rừng. (Ảnh minh họa)

Tại xã Sen Thủy, nơi đây được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 3 đơn vị khai thác khoáng sản titan gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình, Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Long và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kim Tín Quảng Bình với diện tích hơn 360 ha, thời hạn khai thác là 17 năm, tổng mức đầu tư trên 63 tỷ đồng.

Hiện nay, các đơn vị đã thực hiện khai thác 2/3 thời hạn. Do đó, vấn đề đánh giá tác động môi trường và hoàn thổ được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương thực hiện thường xuyên.

Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết trước khi vào khai thác titan, khu vực này vốn là vùng cát trắng, cây cối không thể phát triển được, nhiều loại cây được Ban quản lý rừng phòng hộ trồng lên chắn cát nhưng không hiệu quả nên việc khai thác và hoàn trả lại lại màu xanh cho vùng cát này được các đơn vị khai thác rất chú trọng. Với hình thức làm theo kiểu cuốn chiếu, khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó.

Ông Bắc cho biết thêm chính quyền địa phương cũng luôn luôn tổ chức giám sát thực hiện việc hoàn thổ của các đơn vị khai thác titan trên địa bàn. Giờ đây, trên những đồi cát trắng đã mọc lên khu rừng cây xanh tốt, bao phủ khắp cả vùng. Hơn 100 ha rừng trồng cây keo lai, tràm hoa vàng đã được các đơn vị khai thác hoàn thổ trong suốt thời gian năm qua.

Để thực hiện tốt việc vừa khai thác vừa chú trọng hoàn thổ, các đơn vị khai thác titan đã thành lập riêng một Ban điều hành để giải quyết bài toán hoàn thổ nơi đây. Mỗi đơn vị sau khi khai thác titan trên 1ha phải nộp cho Ban 72 triệu đồng, nếu sau khi khai thác mà các đơn vị không hoàn thổ tốt thì Ban sẽ dùng số tiền đó để thuê hoàn thổ. Đây là sự bắt buộc mà các đơn vị phải làm. Chính điều này đã tạo nên động lực để phủ xanh vùng cát nơi đây.

Ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình nhấn mạnh: "khai thác, hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường là tiêu chí số một để doanh nghiệp thực hiện. Việc hoàn thổ đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đánh giá rất tốt."

Ngoài khai thác, các đơn vị đều có đội ngũ chăm sóc rừng cây, chặt tỉa cành, trồng mới cây. Cứ đến tháng 11 hàng năm, khi mùa mưa đến thì các đơn vị khai thác nơi đây lại bắt tay vào công việc hoàn thổ diện tích khai thác. Hàng chục hecta gò đồi cát được phủ xanh bằng cây tràm, cây keo. Đặc biệt, các loại cây này phát triển nhanh. Ngoài độ che phủ thì rừng tràm này cũng có giá trị kinh tế không hề nhỏ.

Đánh giá về việc khai thác titan, hoàn thổ và các hoạt động của các đơn vị khai thác trên địa bàn huyện Lệ Thủy, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết trong thời gian vừa qua, các công ty khai thác titan trên địa bàn huyên đã tích cực thực hiện tốt việc hoàn thổ, trồng cây xanh và phục hồi môi trường sau khi khai thác. Chính quyền các xã đã tích cực giám sát và số lượng cây xanh phủ và phát triển tốt.

Bên cạnh đó, các đơn vị khai thác đã rất chú trọng đến vấn đề an sinh và tạo việc làm cho người dân trong xã tạo được sự đồng thuận với người dân trên địa bàn...

Ông Tình nêu rõ, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường chỉ đạo, giám sát việc hoàn trả số diện tích còn lại và trồng dặm cây, trả lại màu xanh cho vùng cát Sen Thuỷ.

Sau thời gian khai thác, giờ đây, trên những đồi cát trắng đã mọc lên khu rừng cây xanh tốt, bao phủ khắp cả vùng. Hơn 100 ha rừng trồng cây keo lai, tràm hoa vàng đã được các đơn vị khai thác hoàn thổ trong suốt thời gian năm qua. Ngoài độ che phủ thì rừng tràm này cũng có giá trị kinh tế không hề nhỏ. Đây là thành quả khiến không chỉ người dân nơi đây mà cả các cấp chính quyền cũng như phía đơn vị khai thác cũng thấy rất hiệu quả.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Phủ xanh hàng trăm hecta đồi cát sau khai thác khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới