Thứ năm, 25/04/2024 11:20 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/04/2022 18:00 (GMT+7)

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững

Theo dõi KTMT trên

Chiều ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế".

Có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn - kênh dân vốn trung và dài hạn; cùng thị trường tiền tệ - kênh dẫn vốn ngắn hạn để cấu thành nên thị trường tài chính – đóng vai trò rất quan trọng trong huyết mạch của nền kinh tế.

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta hoàn toàn không chủ quan, mà có căn cứ khoa học, thực tiễn để tin tưởng vào sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Giai đoạn 2016-2021, quy mô tăng trưởng bình quân 28,5%/năm, năm 2021 đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng mạnh, bình quân từ đầu năm đến nay đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.

Mặt khác, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Cá biệt, còn có tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý.

"Từ tình hình thực tiễn, chúng ta cần khẳng định: Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ nghiêm pháp luật. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn. Hay có thể nói là chúng ta hy sinh lợi ích trước mắt để đổi lấy lợi ích lâu dài", Thủ tướng khẳng định.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, không chỉ thời gian gần đây mà từ nửa sau năm 2021, ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ này được kiện toàn.

Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ là:

Thứ nhất, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động chân chính, lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp tôn trọng, tuân thủ nghiêm pháp luật.

Thứ ba, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hạnh húc, ấm no cho nhân dân. Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong quá trình vận động, phát triển, quá trình đó bao giờ cũng nảy sinh những mâu thuẫn cần giải quyết để tiếp tục phát triển và sau khi phát triển thì lại tiếp tục phát sinh những mâu thuẫn mới cần giải quyết. Bên cạnh những mặt tích cực là cơ bản, quyết định, vẫn còn những mặt tiêu cực, quan trọng là nhìn nhận

Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: Làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Chúng ta hoàn toàn không chủ quan, mà có căn cứ khoa học, thực tiễn để  tin tưởng vào sự phát triển của thị trường, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín đều khẳng định:

Thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh và có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế để có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới.

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững - Ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu quốc tế dự Hội nghị, (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thúc đẩy thị trường vốn phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế - từ góc độ ngành ngân hàng

Trình bày tham luận bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nêu rõ: Thị trường vốn và thị trường tiền tệ là hai phân khúc quan trọng của thị trường tài chính, trong đó thị trường tiền tệ (ngắn hạn) thuộc chức năng tổ chức, điều hành của NHNN.

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững - Ảnh 3
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày tham luận. (Ảnh VGP/Nhật Bắc).

Trong thời gian qua, NHNN đã luôn bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động điều hành các công cụ và giải pháp tiền tệ, nhờ vậy thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn đối với thị trường vốn thực hiện theo các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, khi các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia vào thị trường vốn, ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, các TCTD còn phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD.

Về phía ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN tham luận trên 3 góc độ:

Một là, TCTD tham gia thị trường vốn với vai trò là Nhà đầu tư:

Trên thị trường vốn, TCTD có thể trở thành nhà đầu tư trực tiếp đối với trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); riêng đối với cổ phiếu, thì TCTD phải thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động mua bán cổ phiếu. Cụ thể:

TCTD là nhà đầu tư đối với TPCP: Theo số liệu của UBCKNN, các TCTD hiện là nhà đầu tư TPCP lớn thứ 2 sau Bảo hiểm xã hội, đến cuối năm 2021 tổng quy mô TPCP được hệ thống TCTD năm giữ khoảng 793.000 tỷ đồng, chiếm 41,86% tổng giá trị TPCP đang được giao dịch trên thị trường. Những năm qua, NHNN đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, trao đổi thông tin, qua đó, chủ động điều tiết thanh khoản hệ thống, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường thấp để hỗ trợ phát hành thành công TPCP với kỳ hạn dài và lãi suất ở mức thấp, hiện lãi suất kỳ hạn 10 năm khoảng 2,2%/năm, 30 năm khoảng 3%/năm, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Mặc dù việc đầu tư, nắm giữ TPCP hầu như không phát sinh rủi ro tín dụng, tuy nhiên do huy động tiền gửi của hệ thống các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, trong khi TPCP lại có kỳ hạn dài nên cũng tiềm ẩn rủi ro, nhất là rủi ro chênh lệch kỳ hạn. Do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD khi tham gia thị trường TPCP, thời gian qua, NHNN đã ban hành một số VBQPPL điều chỉnh hoạt động mua, đầu tư, nắm giữ TPCP của TCTD như: quy định tỷ lệ mua, đầu tư TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh".

Dưới góc độ TCTD là nhà đầu tư đối với TPDN: Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia với tổng dư nợ TPDN của hệ thống TCTD là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó, góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD, đáp ứng yêu cầu chi trả theo người dân, NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định.

Cụ thể: Hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng khi xác định giới hạn tín dụng theo luật các TCTD…;

Quy định TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua TPDN khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;

TCTD chỉ được mua TPDN khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất.

TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành hoặc có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động...

NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư TPDN của TCTD; từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu các TCTD kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN. NHNN phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực trạng phát hành của thị trường TPDN trong năm 2019 và 2020,

Dưới góc độ TCTD là nhà đầu tư gián tiếp đối với cổ phiếu: Luật TCTD quy định TCTD không được trực tiếp đầu tư cổ phiếu, nhưng có thể đầu tư cổ phiếu thông qua thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu. Hiện tại có 10 NHTM có công ty chứng khoán để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng cấp phép cho một số TCTD tham gia thị trường chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật Chứng khoán.

Hai là, TCTD tham gia thị trường vốn với vai trò là Nhà phát hành:

Đây là kênh huy động vốn quan trọng đối với TCTD, mang lại lợi ích cho cả TCTD là Người phát hành và Nhà đầu tư. 

Đối với TCTD: Thông qua thị trường này, TCTD có thể huy động được nguồn vốn trung dài hạn, giúp cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn. Thông qua phát hành TPDN, TCTD có thể tăng vốn cấp II, tạo thuận lợi cho việc tăng cường năng lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn, gia tăng khả năng cấp tín dụng trung dài hạn cho nền kinh tế.

Còn về phía Nhà đầu tư: Có được quyền lợi tương tự như người gửi tiền ở TCTD bởi vì khi đến hạn sẽ được TCTD chi trả đầy đủ gốc, lãi như các khoản tiền gửi. Ngoài ra, tùy thuộc vào đặc tính của loại hình trái phiếu do TCTD phát hành, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu do TCTD phát hành còn có thể có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu nếu trái phiếu đó là trái phiếu chuyển đổi...

Để đảm bảo phù hợp với Luật Chứng khoán năm 2019 và các Nghị định 153, Nghị định 155 của Chính phủ về phát hành TPDN, thời gian qua NHNN đã hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát hành trái phiếu của các TCTD. Đồng thời để kiểm soát TCTD đầu tư quá mức vào trái phiếu do TCTD khác phát hành, NHNN cũng bổ sung quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như: loại trừ khỏi vốn cấp II của TCTD đầu tư trái phiếu đủ điều kiện tính vào vốn cấp II của TCTD phát hành, áp dụng hệ số rủi ro đối với khoản phải đòi các TCTD.

Trên thực tế, TCTD là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường TPDN hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường TPDN, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường TPDN. Năm 2021, trái phiếu do TCTD phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng TPDN phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 TCTD phát hành trái phiếu với dự nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

TCTD là Nhà phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán: Tính đến hết 2021, có 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường, mức độ giao dịch hằng ngày chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch, có khả năng dẫn dắt thị trường, nhiều ngân hàng đã được vào rổ VN-Diamond, VN30. Qua đó, góp phần vào sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Ba là, TCTD cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh chứng khoán:

Ngoài việc tham gia trực tiếp trên thị trường vốn với vai trò Nhà đầu tư và Nhà phát hành, TCTD còn cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường vốn. Bám sát chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn quan tâm theo sát diễn biến thị trường chứng khoán, hàng năm ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều ban hành Chỉ thị 01 chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư kinh doanh chứng khoán…

Xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

Theo Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, thị trường chứng khoán trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên song hành với đó là sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp.

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững - Ảnh 4
Thiếu tướng Lê Văn Tuyến. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Có thể nhóm vào một số hành vi phổ biến như sau:

Thứ nhất là việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Phân tích các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.

Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ động lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, gây thiếu niềm tin cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Những hành vi này tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoản, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Thứ hai là tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng thị trường chứng khoán phát triển, số lượng nhà đầu tư gia tăng, các hội nhóm chứng khoán lập nhiều nhóm kín tư vấn lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu nhằm trục lợi.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022 trên thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như một số thông tin không lành mạnh gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Thứ ba do tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua kéo dài, dòng tiền nhàn rỗi chưa được đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều nhà đầu tư tập trung chứng khoán gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh giảm sự phụ thuộc vào việc cung ứng vốn của cho kinh tế từ kênh chính ngân hàng.

Đây là quan điểm xuyên suốt được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung chỉ đạo qua đó cũng giúp cho các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, định hướng các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư trung và dài hạn giảm bớt rủi ro của các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn, để cho vay vốn trung và dài hạn, nâng cao tính công khai minh bạch trên thị trường.

Tuy nhiên thời gian qua, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro gây nguy cơ liên quan đến an ninh tiền lệ như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tài sản đảm bảo tỉ lệ thấp.

Khảo sát thì số lượng này chiếm khoảng 50,9%. Tình trạng doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với mục đích huy động vốn cho công ty mình; phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sử dụng sai mục đích, mức lãi suất trái phiếu cao khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ.

Quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát sinh các hành vi vi phạm không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cũng như nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề.

Tội phạm trên lĩnh vực tài chính tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.

Thời gian qua với chức năng được giao, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ ngành liên qua tập chung chỉ đạo công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tài chính an ninh kinh tế, nhất là trên lĩnh vực thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.

Qua đó, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi bổ sung một số văn bản cho phù hợp để hạn chế những sơ hở, bất cập trên lĩnh vực này.

Đồng thời Bộ Công an tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương điều tra làm rõ những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Thời gian tới trước những biến động của thị trường tài chính tiền tệ, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế các nước cũng như vấn đề nội tại của thị trường vốn Việt Nam, để đảm bảo an toàn minh bạch thị trường, giám sát thị trường chứng khoán, cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, trong đó Bộ Công an đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Tài chính tập trung rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung những quy định vướng mắc bất cập trên các lĩnh vực về thị trường chứng khoán. Trước mắt sửa đổi bổ sung Nghị định 156 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán theo hướng tăng khung hình phạt, mở rộng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Thứ hai sửa đổi bổ sung Nghị định 153 ngày 31/12/2020 về hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường chứng khoán. Sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 2019 theo hướng có chế tài giám sát hoạt động mở tài khoản của các nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau cũng như là việc kiểm tra thông tin của các nhà đầu tư khi mở tài khoản.

Đề nghị các bộ, ngành tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo cảnh báo sớm trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính chủ động phát hiện rủi ro tiềm ẩn, kip thời có biện pháp phòng ngừa khắc phục lỗ hổng…

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cơ điện lạnh (REE): Không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý

REE là công ty đầu tiên cổ phần hóa năm 1993, là công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán TP.HCM, Việt Nam năm 2000.

Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững - Ảnh 5
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty Cổ phần cơ điện lạnh (REE). (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Theo bà Thanh "chúng tôi làm những điều này đầu tiên vì sự khát khao hành động và phải nỗ lực để thành công, nhằm thỏa lòng tự hào dân tộc và chứng minh chính sách đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước".

Bà Thanh bày tỏ, 10 năm đầu sau đổi mới, khủng hoảng kinh tế khu vực 1996-1997 đã đẩy lên thành khủng hoảng tiền tệ châu Á. Tại Việt Nam, tiền mất giá, lãi suất vay 24% đến 25%/năm, vốn là nguồn vốn chính hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh.

Trong hoàn cảnh đó, một Quỹ đầu tư nước ngoài là Dragon Capital đến gặp REE và đề nghị bảo lãnh phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế 5 triệu USD với lãi suất 4%/năm, P/E chuyển đổi là 10. Vậy nhà đầu tư kỳ vọng gì ở REE? Đó là lợi nhuận trung bình 3 năm 1996, 1997, 1998 là 1 triệu USD/năm để 5 triệu USD này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu chiếm 24% sở hữu tại REE.

REE chấp nhận và cuối cùng đã đạt lợi nhuận tốt hơn (trung bình 1,3 triệu USD/năm), do vậy tỉ lệ chuyển đổi là 16% - giá trị vốn hóa của REE khoảng 32 triệu USD.

Ở thời điểm 1996, chưa có luật quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra quốc tế, REE đã mất 1 năm để có được sự chấp thuận của Bộ Tài Chính mà không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Đến năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời là một kênh huy động vốn rất hiệu quả với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ ra đời.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý chặt chẽ là vào thời điểm đó và vài năm sau đó. Nhưng đến thời điểm giờ có thể bổ sung hay cập nhật thêm lên, bởi vì những phát sinh từ thực tế rất nhiều.

Chủ tịch HĐQT REE bày tỏ: "Tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý".

Có thể khẳng định các luật định gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định số 153/2020 QH14 ngày 26/11/2019 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 122/2020 TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định 153 của Chính Phủ.

Khuôn khổ pháp lý cho việc doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp một cách rõ ràng và chặt chẽ.

Tại REE, đã có nhiều đợt phát hành cổ phiếu mới ra thị trường cũng như công chúng và gần đây phát hành 2 đợt trái phiếu gồm: Trái phiếu doanh nghiệp có quy mô 1000 tỷ và 100 triệu USD nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển công suất điện năng lượng tái tạo, nước sạch và bất động sản văn phòng cho thuê.

Nhà đầu tư quan tâm và giao dịch thành công bao gồm: Quỹ đầu tư, các Công ty bảo hiểm, Ngân hàng... Tất cả họ đều quan tâm đến tính minh bạch trong công bố thông tin – Cam kết của tổ chức phát hành trái phiếu và chúng ta phải có một tổ chức để giám sát tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, là tính khả thi đã được chứng minh trong quá khứ được thể hiện trên kết quả tbáo cáo tài chính hợp nhất và đặc biệt các tổ chức phát hành là công ty niêm yết, qua đó Nhà đầu tư - Trái chủ có thể kiểm chứng thông tin dễ dàng.

Báo cáo định kỳ của tổ chức phát hành về sử dụng vốn huy động và tất nhiên phải có trách nhiệm trả lãi và vốn và REE luôn đặt đúng tầm về trách nhiệm cho các vấn đề Nhà đầu tư - Trái chủ quan tâm đã được cam kết tại công bố thông tin, hồ sơ phát hành.

REE cho rằng bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Và đây cũng là lý do chính vì sao REE đã xung phong niêm yết đầu tiên. Phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các doanh nghiệp phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao.

Các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục, trong đó nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào cần được tiếp tục củng cố và phát huy.

Sau 2 năm đại dịch, giờ đây đất nước đã bình thường trở lại, hồ hởi bước vào chu kỳ xây dựng và phát triển mới. Mặc dù phía trước còn nhiều vấn đề chưa xác định như xung đột vũ trang, địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất và dịch vụ...

REE mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và bình đẳng để các doanh nhân có thể tiếp tục dấn thân cùng nhau xây dựng nền kinh tế nước nhà.

Với số vốn tích lũy được trên 16.000 tỷ, REE cũng quyết định nâng mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính, cân đối hợp lý việc huy động nguồn vốn vay, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để tiếp tục phát triển công suất trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nước và môi trường.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.