Thứ tư, 24/04/2024 23:28 (GMT+7)
Thứ năm, 20/05/2021 06:00 (GMT+7)

Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, những công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, các đề xuất, kiến nghị của ngành. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 5 năm qua, Bộ đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, “dám nghĩ, dám làm” với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Trong 5 năm qua, đời sống người có công không ngừng được nâng lên. Hàng năm ngân sách nhà nước dành hơn 32 nghìn tỉ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công và thân nhân.

Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội - Ảnh 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

“Giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, tạo được hàng triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn, là một trong 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Vị thế, vai trò và kết quả của giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực; Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5%.

Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn. Thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực, chỉ số giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới.

Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, chính sách người có công không ngừng tăng, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%, tỷ lệ đánh giá tốt về xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm chiếm 68%.

Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thời gian vừa qua, Bộ và ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực nổi bật. Giảm nghèo là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, nhân dân đánh giá cao, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Thị trường lao động tiếp tục phát triển, nguồn nhân lực tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhân lực trong một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội được thực hiện nghiêm túc, có đột phá. Công tác trợ giúp xã hội ngày càng được mở rộng, diện bao phủ tốt hơn. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quan tâm, đạt nhiều thành quả. Công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy đạt được những thành tích nhất định.

Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội - Ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

Có được những kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ để vượt qua khó khăn thách thức và khắc phục các yếu kém, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Bám sát sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương. Cùng với đó, Bộ có Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhiều năm, có Bộ trưởng quyết liệt, lãnh đạo Bộ đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, nhất trí. “Phải khẳng định để tiếp tục phát huy”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ và ngành còn những nhóm công việc chưa làm tốt. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu tổng thể, liên thông. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trong đó có trách nhiệm của Bộ, nhất là trong đào tạo nghề bởi con người với tri thức, trí tuệ, kỹ năng, tay nghề là yếu tố quyết định trong nâng cao năng suất.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn chậm cải thiện, còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. Việc xuất khẩu lao động còn nhiều yếu kém liên quan đến việc đào tạo tay nghề, kiến thức, luật pháp cho người lao động, lĩnh vực này cũng còn nhiều tiêu cực, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả. Thông tin về thất nghiệp còn chậm được cập nhật.

Các quy định về phòng ngừa, xử lý tai nạn lao động còn chưa đầy đủ, nhiều sơ hở, việc tổ chức thực hiện các quy định này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tình hình tai nạn lao động, cháy nổ và ô nhiễm môi trường lao động diễn biến phức tạp. Bạo lực giới, bạo lực và xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời.

Việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (gói 62.000 tỉ đồng) còn nhiều bất cập. Ngân sách đã có, phải “tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả”, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định và phát triển bền vững đất nước, quan điểm này đã được phổ biến, cụ thể hóa, thể chế hóa ngày càng hoàn thiện hơn.

Do đó, Thủ tướng quán triệt sâu sắc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó khẳng định phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đây là nhiệm vụ lớn, phải thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện bằng được tư tưởng rất quan trọng được đúc kết từ thực tiễn này.  

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới