Phát triển khu công nghiệp sinh thái
Nếu như trước đây, bảo vệ môi trường đồng nghĩa với tăng chi phí thì nay, quan điểm này đã thay đổi khi các KCN sinh thái đi vào hoạt động tại Việt Nam.
Nếu như trước đây, bảo vệ môi trường đồng nghĩa với tăng chi phí thì nay, quan điểm này đã thay đổi khi các KCN sinh thái đi vào hoạt động tại Việt Nam. Lợi ích về môi trường trước hết đem lại hiệu quả kinh tế cho KCN, còn về lâu dài, đây chính là yếu tố thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu các mặt hàng ra thị trường quốc tế.
Giải bài toán môi trường khu công nghiệp
Các KCN được đánh giá là nơi lý tưởng để thực hiện các hoạt động kinh tế tuần hoàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với KCN sinh thái - nơi các doanh nghiệp có thể đạt được cùng lúc hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường thông qua các hoạt động cộng tác về quản lý môi trường và tài nguyên. Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh ngay từ thời điểm bắt đầu cộng sinh công nghiệp, hay cụ thể hơn là việc trao đổi và chia sẻ nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ. Đây chính là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN bền vững, loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) để thực hiện Dự án KCN sinh thái. Giai đoạn 1 dự án đã thu hút 72 doanh nghiệp từ 4 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng các công nghệ, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP). Trong 4 năm (2015 - 2019), các giải pháp đã giúp tiết kiệm điện, nước sạch, nhiên liệu sản xuất, giảm phát thải hàng nghìn tấn hóa chất và chất thải. Qua đó, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.
Cùng với RECP, các KCN cũng từng bước xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp từ các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Điển hình là hoạt động thu hồi khí biogas tại công ty bia để sử dụng làm nhiên liệu lò hơi của Công ty Năng lượng xanh - KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Hơi nước sản xuất ra lại được cung cấp trở lại cho công ty bia, thay thế khoảng 30% lượng hơi nước sản xuất từ nhiên liệu sinh khối. Lượng khí sinh học tránh phát thải trực tiếp vào môi trường tương đương trung bình khoảng 10.000 tấn CO2/năm (xấp xỉ lượng khí thải CO2 do khoảng 2.850 người Việt Nam thải ra trung bình trong cả năm). Bên cạnh đó, một số hình thức cộng sinh tự phát từ các buổi kết nối thảo luận và hội thảo giữa các doanh nghiệp cũng hình thành. Tuy nhiên, do đa phần doanh nghiệp hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa nên hiệu quả chưa được duy trì ổn định.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Bộ KH&ĐT), quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần nguồn vốn đầu tư, trong khi đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong KCN còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi do thủ tục khắt khe, lãi suất đang có xu hướng tăng cao, thời hạn vay ngắn. Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái; các rào cản về kỹ thuật, năng lực quản lý cũng khiến các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi thực hiện chuyển đổi.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, UNIDO và Bộ KH&ĐT tiếp tục hỗ trợ KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) chuyển đổi phù hợp với khuôn khổ quốc tế về KCN sinh thái. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ phát triển các đề xuất kinh doanh từ các cơ hội cộng sinh đã được xác định tại các KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).
Các vấn đề trong chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái hiện đã được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, khu kinh tế. Bộ KH&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các hướng dẫn, cũng như quy chuẩn cần thiết liên quan tới xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải, phế liệu; tái sử dụng chất thải, phế liệu, nước, năng lượng dư thừa trong KCN sinh thái...
Thu hút nguồn vốn đầu tư xanh
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mục tiêu Net Zero đã mở ra một thời kỳ sản xuất, kinh doanh hướng tới giảm phát thải khí nhà kính. Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, các nhà đầu tư tư nhân đã nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường các sản phẩm bền vững. Động lực kinh tế khiến buộc doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất để duy trì khả năng cạnh tranh trong một tương lai các-bon thấp. Ước tính, việc áp dụng các mô hình vòng tròn tuần hoàn khép kín sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh trị giá 4,5 nghìn tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu vào năm 2030.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại luôn được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm hiểu và thu hút đầu tư mạnh mẽ với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, điển hình như chuỗi các KCN Thăng Long (Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc), KCN DEEP C (Hải Phòng), KCN VSIP (Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bình Định, Cần Thơ)…
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Việt Nam đang tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị hạ tầng công nghiệp là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư FDI. Trong đó, việc triển khai các KCN sinh thái đang được đánh giá là một mô hình tất yếu, không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Việc xây dựng KCN sinh thái mới, gắn kết KCN sinh thái với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các địa phương rất phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về ứng phó Biến đổi khí hậu cũng như các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.
Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, Khu Kinh tế của Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40% - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Thực tế bước đầu cho thấy, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế. Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái. Đặc biệt, chuyển dịch KCN theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các đối tác phát triển.
Đối với cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp tại Việt Nam, rào cản chính hiện nay là thiếu cam kết từ các nhà quản lý trong việc phát triển và tham gia vào các dự án cộng sinh. Các doanh nghiệp cũng thiếu môi trường kết nối thông tin, khám phá cơ hội cộng sinh tiềm năng. Mặc dù có khá nhiều đề xuất về cộng sinh công nghiệp trong các KCN tham gia dự án, nhưng rất ít đề xuất có thể thực hiện do kỹ thuật không khả thi, bị giới hạn thời gian phát triển các công nghệ mới; khối lượng, chất lượng của chất thải đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu làm đầu vào của doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích môi trường và xã hội do cộng sinh công nghiệp mang lại. Tính bất khả thi về kinh tế do thiếu các điều kiện thị trường thích hợp để tạo cơ hội cho cộng sinh công nghiệp, ví dụ chi phí giao dịch bổ sung quá cao và lợi ích kinh tế không đáng kể để đáp ứng các yêu cầu về chi phí - lợi ích để duy trì quan hệ cộng sinh.
Một vấn đề cần đặt ra trong quan hệ giữa các doanh nghiệp cộng sinh, đó là đảm bảo nguyên tắc ứng xử chuyên nghiệp như tôn trọng tính bảo mật, không có xung đột lợi ích trong việc đề xuất hợp tác tiềm năng, đảm bảo tính minh bạch của quan hệ đối tác...
Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã đưa ra nhóm chính sách về KTTH KCN, khu kinh tế. Theo đó, dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp - năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong KCN, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về KCN, khu kinh tế. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư dự án KTTH tại KCN, khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được tạm trú, thường trú trong KCN, khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định pháp luật.
Các mô hình KTTH mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án KTTH trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản... Nghị định này sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH trong thời gian tới, đồng thời, tạo điều kiện để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho KTTH tại Việt Nam.
Khánh Ly - Vy Huyền (ghi)