Thứ năm, 21/11/2024 20:35 (GMT+7)
Thứ tư, 22/06/2022 11:55 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Cần hiểu đúng, hiểu đủ Luật Bảo vệ môi trường 2020

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức thành công "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020".

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của buổi Hội thảo này, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế môi trường (EEPI).

- Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 có rất nhiều điểm mới so với Luật BVMT 2014, theo ông những điểm mới mang tính đột phá trong Luật BVMT năm 2020 là gì?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: So với Luật BVMT 2014, Luật BVMT 2020 có những điểm mới mang tính đột phá chính như sau:

Thứ nhất, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Thứ hai, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.

Lần đầu tiên, Luật BVMT ban hành một Mục riêng để quy định về Giấy phép môi trường, được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Theo đó, có 3 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường (GPMT). Luật cũng quy định kể từ ngày GPMT có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, GPMT thành phần hết hiệu lực.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Cần hiểu đúng, hiểu đủ Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thứ ba, Luật BVMT 2020 đã quy định về việc thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Thứ tư, lần đầu tiên Luật BVMT 2020 có chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương. 

Ngoài ra, Luật còn cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế đồng thời tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

- Theo ông, điểm mới nào trong Luật BVMT 2020 đang được cộng đồng doanh nghiệp và cả người dân quan tâm nhất? Vì sao?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Theo tôi, những điểm mới trong Luật BVMT 2020 liên quan đến GPMT và Đăng ký môi trường đang được cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm nhất. Bởi lẽ, đây là những thủ tục mang tính bắt buộc trước khi thực hiện một dự án nào đó. GPMT và Đăng ký môi trường không phải là vấn đề mới với các nước trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, đây là vấn đề mới và không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xin cấp các loại giấy tờ này.

Trước đây, các giấy phép liên quan đến môi trường không được quy định cụ thể trong Luật BVMT 2014 mà nằm rải rác ở các luật về thủy lợi, tài nguyên nước... Điều này khiến cho nhà đầu tư phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan sau khi được phê duyệt và trước khi dự án vận hành chính thức, đồng thời gây nhiều khó khăn cho quản lý nhà nước.

Luật BVMT 2020 đã tích hợp chung các loại giấy phép về môi trường như xả nước thải, xả khí thải, xử lý chất thải nguy hại... thành một loại giấy phép, gọi là Giấy phép môi trường (GPMT). Các đối tượng phải có GPMT bao gồm: Một là, dự án đầu tư Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III (theo khoản 2 điều 28, Luật BVMT 2020) có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức; Hai là, dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng nêu trên;

Các dự án thuộc trường hợp một là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công sẽ được miễn GPMT. Tùy theo từng loại dự án cụ thể, thẩm quyền cấp phép và nội dung GPMT sẽ xác định rõ các yêu cầu về bảo vệ môi trường cụ thể. 

Một trong những căn cứ xem xét việc cấp GPMT cho dự án là việc đánh giá khả năng chịu tải của môi trường trong khu vực thực hiện dự án. Đây là quy định mới tại Luật BVMT 2020 được bổ sung nhằm giới hạn khả năng chịu đựng của môi trường đối với các nguồn ô nhiễm trong khu vực. 

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp GPMT cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trừ trường hợp nhà đầu tư có phương án xử lý ô nhiễm, hoặc phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt để không phát sinh thêm ô nhiễm tại khu vực này. Quy định này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư khi chuẩn bị triển khai các dự án đầu tư tại khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

Việc sử dụng thống nhất một loại GPMT sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp cho quá trình quản lý nhà nước về môi trường được thống nhất và chặt chẽ.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Cần hiểu đúng, hiểu đủ Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Theo tôi, những điểm mới trong Luật BVMT 2020 liên quan đến GPMT và Đăng ký môi trường đang được cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm nhất. Bởi lẽ, đây là những thủ tục mang tính bắt buộc trước khi thực hiện một dự án nào đó.

- Được sự chỉ đạo của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện chính sách Kinh tế Môi trường đã tổ chức "Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020". Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và kết quả đạt được của Hội thảo này?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: GPMT và Đăng ký môi trường không phải là vấn đề mới với thế giới. Nhưng đối với Việt Nam, đây là vấn đề mới, khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn và cảm thấy bỡ ngỡ. Chính vì vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức "Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020" nhằm cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức, cá nhân và người dân hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật BVMT 2020 và những quy định mới về GPMT cũng như Đăng ký môi trường.

Tại Hội thảo, các chuyên gia về môi trường, chuyên gia pháp lý và đại diện cơ quan quản lý đã có những gợi mở, giúp các doanh nghiệp hiểu và tuân thủ Luật BVMT 2020, tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, để doanh nghiệp nhanh chóng có được GPMT và Đăng ký môi trường. Luật BVMT 2020 cùng với các Nghị định, Thông tư có nhiều điểm mới và nó đã đáp ứng được những đòi hỏi của công tác bảo vệ môi trường. Do có nhiều điểm mới như vậy nên câu chuyện đặt ra là, làm thế nào để quản lý hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp tốt hơn? Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Sẽ có nhiều quy định mới, có thể không thể trình bày hết được trong các văn bản, cho nên việc cần làm là giải thích để doanh nghiệp hiểu rõ, điểm mới đó là cái gì mới là điều quan trọng. Thông qua "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020", hy vọng rằng doanh nghiệp sẽ biết được rằng, để thực hiện Luật BVMT 2020 họ sẽ phải làm cái gì? Trách nhiệm của họ đến đâu? Quy định bằng văn bản nào? Qua đó thực hiện tốt quy định của nhà nước liên quan đến vấn đề môi trường.

Tránh trường hợp chúng ta thực hiện Luật BVMT 2020 nhưng chúng ta không biết được là dự án chúng ta đang làm có vi phạm hay không? Hoặc, quy định của pháp luật đối với dự án đến đâu? Cần phải lưu ý rằng, các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các đối tượng khác nhau ở những địa điểm khác nhau là khác nhau. 

Các thông tin được chia sẻ tại Hội thảo giúp cho doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ Luật BVMT 2020 cũng như là chủ trương, chính sách của nhà nước đối với các vấn đề về môi trường. Và ngược lại, thông qua Hội thảo nhà quản lý có thể thấy được những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải khi thực hiện Luật BVMT 2020, qua đó có sự điều chỉnh phù hợp, hoặc có sự hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ đối với môi trường. Nói cách khác, thông qua những buổi Hội thảo như vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đang thể hiện đúng vai trò là "Cánh tay nối dài" của nhà quản lý, mà cụ thể ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Cần hiểu đúng, hiểu đủ Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.