Ông Khuất Việt Hùng: 'Mũ lưỡi trai không phải mũ bảo hiểm'
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh các loại mũ dạng lưỡi trai không phải là mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy bởi không đúng quy chuẩn được ban hành.
Mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đề nghị bỏ dòng chữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" trong báo cáo về chất lượng mũ bảo hiểm người dân đang sử dụng.
Theo ông, đây là loại mũ không đúng quy chuẩn. Đồng thời, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề xuất đúc nỗi dòng chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy” để người dân và cơ quan chức năng dễ dàng nhận diện những chiếc mũ đạt chuẩn.
Mũ lưỡi trai không có tác dụng bảo vệ người đội
Xin ông cho biết vì sao Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất loại bỏ thuật ngữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai"?
Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Đại học Y tế công cộng khảo sát, đánh giá về chất lượng mũ bảo hiểm người dân đang sử dụng.
Quá trình khảo sát, nhóm của Đại học Y tế công cộng xây dựng báo cáo giữa kỳ. Trong đó có sử dụng thuật ngữ mũ bảo hiểm lưỡi trai để chỉ một loại mũ có tới 26% số người sử dụng. Tôi đề nghị trong báo cáo đó không sử dụng thuật ngữ này mà chỉ dùng thuật ngữ “mũ lưỡi trai” để phản ánh.
Lí do là Luật Giao thông đường bộ hiện hành nêu rõ: Người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định mũ bảo hiểm phải đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đạt hàng loạt chỉ tiêu khác liên quan đến kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn đối với người dùng.
Trong khi đó, các loại mũ dạng lưỡi trai đó chỉ có lớp nhựa, không có lớp đệm xốp bảo vệ chống xung động. Vì vậy, các mũ dạng này không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy.
Người đội những loại mũ này khi không may gặp tai nạn thì hậu quả tổn thương phần đầu, mặt là rất lớn. Theo khảo sát của chúng tôi, việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn làm giảm tỉ lệ tử vong 40-42% và giảm tỉ lệ thương tật nặng tới 69% trong trường hợp gặp tai nạn.
Một bộ phận người tham gia giao thông vẫn lựa chọn các loại mũ theo thói quen, sự tiện dụng vì họ chưa có ý thức, nhận thức rõ lợi ích của mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Họ thực hiện đội mũ đơn thuần chỉ đối phó với quy định của pháp luật. Điều buồn nhất là họ lừa dối sự an nguy của bản thân mình.
Một số ý kiến cho rằng việc phân biệt giữa mũ bảo hiểm đúng quy định và mũ giả rất phức tạp, thậm chí không thể nhận ra bằng mắt thường. Ông đánh giá sao về điều này?
Thực tế, phải phân định rõ giữa mũ bảo hiểm giả và mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy.
Về loại mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy thì ai cũng có thể phân biệt được, từ người mua đến người bán đều biết điều này. Còn mũ giả đòi hỏi phải có sự tham gia của cơ quan chức năng có chuyên môn. Cũng như phân biệt tiền âm phủ và tiền giả với tiền thật. Tiền âm phủ với tiền giả rất khác nhau. Nếu tiền giả được chế tạo tinh vi thì cần phải có thiết bị, công nghệ, chuyên môn mới có thể phát hiện. Mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng và mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy là 2 đối tượng hoàn toàn khác.
Vì vậy, trước tiên, tôi rất mong người dân hãy tìm mua đúng mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy. Trong những mũ này đều có tem kiểm định và có các bộ phận cơ bản như vỏ mũ, quai đeo và đặc biệt là lớp xốp có chức năng hấp thụ xung động.
Mũ lưỡi trai bán rất nhiều ở vỉa hè, phía trong không có lớp xốp mà người đội chủ yếu để đối phó thì không phải là mũ bảo hiểm giả. Nó không được xếp vào loại mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy.
Đúc nổi chữ để dễ nhận diện
Mới đây, ông cũng đề xuất đúc nỗi dòng chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy”, vậy điều này mang lại lợi ích gì?
Hiện nay quy chuẩn quốc gia về mũ bảo dành cho người đi môtô, xe máy quy định đối với loại mũ đạt chuẩn sẽ có dán tem kiểm định. Trên tem thể hiện dòng chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy” và thông tin về nhà sản xuất. Còn đối với loại mũ không phải là mũ dành cho người đi môtô, xe máy thì trên mũ không có bất kỳ thông tin nào.
Tuy nhiên, chiếc tem này có kích thước nhỏ, độ bền không cao, có thể bị bong mờ. Bởi vậy, tôi đã đề xuất thay vì dán tem, chúng ta có thể đúc nổi dòng chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy” và thông tin nhà sản xuất.
Nếu đơn vị sản xuất loại mũ thời trang, mũ lưỡi trai, không phải là mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy cũng đúc dòng chữ như vậy thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống hàng giả, gian lận thương mại sẽ vào cuộc xử lý ngay. Từ đó, chúng ta sẽ ngăn được tận gốc những loại mũ này trước khi ra thị trường.
Tất nhiên vẫn có những người sản xuất các loại mũ có đầy đủ các bộ phận như mũ thật, hay còn gọi là mũ giả thì việc này sẽ cần các cơ quan chức năng chống hàng giả tinh vi, giống như chống bằng lái xe giả, chống tiền giả… mặc dù sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Ngoài ra, khi thông tin đầy đủ của nhà sản xuất được đúc nổi, có độ bền cao nếu xảy ra tai nạn mà mũ không đảm bảo chất lượng thì người dùng có thể làm các thủ tục đòi bồi thường hoặc xử lý trách nhiệm đối với các nhà sản xuất.
Hiện nay CSGT chưa thể xử phạt các trường hợp cố tình sử dụng các loại mũ bảo hiểm không đảm bảo, theo ông điều này có cần bổ sung vào các quy định sắp tới?
Theo tôi, chúng ta cần hoàn chỉnh thêm những quy định của pháp luật về nhận diện đối với sản phẩm mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy và có chế tài cụ thể với những người cố tình sử dụng những loại mũ không đúng quy chuẩn.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế rằng không có quốc gia nào đưa ra chế tài rồi phân công lực lượng chức năng chỉ để xử phạt 100% vi phạm. Mà ở đây, luật đưa ra là để lực lượng chức năng tiến hành xử phạt, từ đó tạo ra hiệu ứng giáo dục xã hội để những người khác tuân theo.
Khi các quy định được hoàn chỉnh, ý thức người dân được nâng cao thì việc chọn mua, sử dụng mũ bảo hiểm không chỉ thuận lợi hơn cho người dùng mà cũng tạo đầy đủ cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Hồng Quang