Thứ sáu, 26/04/2024 16:44 (GMT+7)
Thứ năm, 19/09/2019 16:07 (GMT+7)

Ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động

Theo dõi KTMT trên

Hiện tại, ở nhiều cảng biển trên cả nước, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng. Để hạn chế ô nhiễm phải có biện pháp hợp lý về xây dựng và vận hành cảng biển để giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động

Các nguồn gây ô nhiễm biển trong hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí và các hoạt động thương mại khác liên quan đến việc sử dụng tài nguyên biển hiện nay rất đa dạng và phức tạp: ô nhiễm do dầu, ô nhiễm do hóa chất lỏng chở xô trên tàu, ô nhiễm do các loại hàng nguy hiểm vận chuyển bằng tàu; ô nhiễm do rác thải, ô nhiễm do nước thải, ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động - Ảnh 1
Ô nhiễm cảng biển do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, nguồn ô nhiễm còn do sơn chống hà sử dụng cho thân tàu, ô nhiễm do các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu, do sự di chuyển của các loài thủy sinh vật thông qua nước dằn tàu; Các bệnh truyền nhiễm lan truyền qua con đường hàng hải, ô nhiễm do hoạt động phá dỡ tàu cũ, do hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên biển.

Rõ ràng nguồn gây ô nhiễm biển từ các hoạt động nói trên là rất lớn, với sự phát triển rất nhanh của các phương tiện vận tải biển trong những năm qua. Các nguồn gây ô nhiễm này thực sự đã trở thành nguy cơ vô cùng to lớn đối với môi trường biển, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo số liệu thống kê gần đây, trong 5 năm qua, lượng tàu biển vào hoạt động tại khu vực cảng biển TP HCM cũng gia tăng chóng mặt. Tổng số lượt tàu biển vào TP HCM từ 18.667 lượt (năm 2014) tăng lên 20.550 lượt (năm 2018), 8 tháng đầu năm 2019 đạt gần 14.100 lượt tàu. Số lượt phương tiện thủy nội địa tăng từ 58.276 lượt (năm 2014) lên ngưỡng hơn 95.330 lượt (năm 2018). Tương tự tại khu vực cảng biển Vũng Tàu, 2 năm qua, lượng tàu cập cảng cũng gia tăng đáng kể.

Ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động - Ảnh 2
Tình trạng ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động. Ảnh minh họa.

Sự phát triển của hệ thống cảng biển và gia tăng về khối lượng hàng hóa trên thế giới đòi hỏi hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển rất nhanh để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa bằng đường biển của Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Việc gia tăng khối lượng hàng hóa qua cảng biển nói chung và hàng nguy hiểm nói riêng sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ quá trình bốc xếp và lưu giữ hàng nguy hiểm tại các cảng biển Việt Nam.

Phát triển mô hình cảng biển xanh để bảo vệ môi trường

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức hội thảo góp ý vào đề án "Phát triển cảng xanh tại Việt Nam" tại Hà Nội với sự tham dự của các học giả, chuyên gia và đại diện cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển trong cả nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và áp dụng phát triển cảng biển theo hướng "cảng xanh" thân thiện môi trường.

Cụ thể, theo báo chí phản ánh, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh việc phát triển cảng biển theo hướng "cảnh xanh" thân thiện môi trường để hạn chế ô nhiễm bởi hoạt động vận tải tàu biển, chất thải từ các cảng biển.

Ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động - Ảnh 3
Cảng Tân Cảng - Cát Lái là cảng biển đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được trao giải thưởng Cảng xanh năm 2018 - Ảnh sưu tầm.

Hiện nay, cảng Tân Cảng - Cát Lái do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Bộ Quốc phòng quản lý là cảng biển đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được các tiêu chí đó và đã được Hội đồng dịch vụ Cảng biển APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng xanh năm 2018.

Cảng xanh là mô hình cảng biển hướng đến sự hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc phát triển cảng biển theo hướng "cảnh xanh" thân thiện môi trường để hạn chế ô nhiễm bởi hoạt động vận tải tàu biển, chất thải từ các cảng biển.

Một cảng xanh, hay còn gọi là cảng sinh thái, đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng. Việc đưa thuật ngữ này vào quy hoạch phát triển cảng có ý nghĩa đối với các cải tiến công nghệ trong sản xuất hiệu quả năng lượng (đổi mới công nghệ, thiết bị cải tiến mới,...) cho phép phối hợp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm cảng biển đang ở mức báo động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới