Nước thải đô thị có nên sử dụng trực tiếp để tưới cho đồng ruộng?
Xử lý nước thải đô thị đang được xem là một trong những thách thức lớn đối với nhiều đô thị, thành phố trên thế giới. Vậy liệu có thể sử dụng trực tiếp nước thải để tưới cho đồng ruộng được không?
Hiện nay, tại các thành phố, thị xã lớn nhỏ hàng ngày đều thải ra một lượng lớn nước thải, bao gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Trong nguồn nước thải đó có chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng như nitơ, photpho,... rất cần cho cây trồng.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng. Điều này trở thành một thách thức lớn trong việc xử lý nước thải đô thị. Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung cũng như hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế.
Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu hụt dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đe dọa môi trường và trở thành khó khăn lớn cho các đô thị Việt Nam.
Lâu nay một số nước trên thế giới đã dùng nguồn nước thải từ thành phố trực tiếp tưới cho đồng ruộng và đạt được kết quả rất khác nhau, có nơi sản lượng lương thực, hoa màu tăng hẳn lên, nhưng có nơi bị thất thu nghiêm trọng…
Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo không được dùng nước thải của thành phố trực tiếp tưới ruộng. Bởi trong nguồn nước thải đó có chứa rất nhiều nguyên tố kim loại nặng có hại cho cơ thể con người, như cadimi, kẽm, chì, thủy ngân... và các chất hữu cơ độc hại khó phân hủy, các loại vi trùng gây bệnh…
Theo đó, những chất độc hại trên đều trực tiếp gây ô nhiễm cho cây trồng, lương thực, rau quả và để lại hậu quả nghiêm trọng cho con người nếu ăn phải. Tuy nhiên không vì vậy mà con người bỏ phí nguồn nước thải của thành phố. Nhiều nước trên thế giới đã tận dụng nguồn nước thải vô tận của thành phố bằng cách khử các nguyên tố kim loại nặng, các chất hữu cơ độc hại và các loại vi trùng gây bệnh, sau đó mới sử dụng để tưới cho đồng ruộng.
Thực tế, nước thải thành phố đã được xử lý tưới cho cây trồng không những không làm ô nhiễm lương thực, rau quả mà còn làm tăng sản lượng các loại cây trồng, đồng thời lọc sạch thêm nguồn nước thải, giảm bớt ô nhiễm sông hồ. Ðây là phương pháp sử dụng nước thải khoa học nhất và đang được nhiều nước thực hiện.
Có thể thấy, hệ thống thoát nước và công nghệ xử lý nước thải ngày càng thể hiện vai trò không thể thiếu trong các đô thị hiện đại. Từ lâu, các nước trên thế giới đã vô cùng chú trọng trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Đặc biệt, Singapore là quốc gia tiên phong trong công nghệ xử lý nước thải, với hệ thống xử lý tiên tiến, “hô biến” nước thải thành nước sạch và góp phần giảm thiểu ô nhiễm đại dương.
Lan Anh (T/h)