Khai thác tài nguyên khoáng sản tác động tới môi trường ra sao?
Theo các nghiên cứu khoa học, tài nguyên khoáng sản là tích tụ vật chất dưới dạng hợp chất hoặc đơn chất trong vỏ Trái Đất. Song hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đã gây ra các vấn đề tác động tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Tài nguyên khoáng sản thường tập trung trong một khu vực gọi là mỏ khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của con người và khai thác sử dụng khoáng sản có tác động mạnh mẽ đến môi trường sống.
Theo đó, ở điều kiện hiện tại, con người có đủ khả năng khai thác các nguyên tố có ích hoặc sử dụng trực tiếp chúng trong đời sống hàng ngày.
Một mặt, khoáng sản là nguồn vật chất tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải cho con người. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên khoáng sản cũng thường tạo ra các loại chất ô nhiễm như bụi, kim loại nặng, các hóa chất độc và hơi khí độc (SO2, CO, CH4...).
Căn cứ theo dạng tồn tại, tài nguyên khoáng sản bao gồm: Rắn, khí (khí đốt, Argon, He), lỏng (Hg, dầu, nước khoáng). Theo nguồn gốc, khoáng sản được chia thành 2 loại: Khoáng sản nội sinh (sinh ra trong lòng Trái Đất) và ngoại sinh (sinh ra trên bề mặt Trái Đất).
Theo thành phần hóa học, khoáng sản bao gồm khoáng sản kim loại (kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý hiếm), khoáng sản phi kim (vật liệu khoáng, đá quý, vật liệu xây dựng), khoáng sản cháy (than, dầu, khí đốt, đá cháy).
Tuy nhiên, do hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đã gây ra các vấn đề tác động tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là làm mất đất, mất rừng, ô nhiễm nước, ô nhiễm bụi, khí độc, lãng phí tài nguyên. Quá trình vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm bụi, khí, nước và chất thải rắn. Đồng thời, sử dụng khoáng sản sẽ gây ra ô nhiễm không khí (SO2, bụi, khí độc...) và ô nhiễm nguồn nước.
Do đó, hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường trong khai thác và sử dụng khoáng sản Việt Nam đòi hỏi phải quan tâm đến các khía cạnh sau:
Thứ nhất, phải hạn chế tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến.
Thứ hai, điều tra chi tiết, quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản, không xuất thô các loại nguyên liệu khoáng, tăng cường tinh chế và tuyển luyện khoáng sản.
Thứ ba, cần đầu tư kinh phí xử lý chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng khoáng sản như xử lý chống bụi, chống độc, xử lý nước thải, quy hoạch xây dựng các bãi thải.
Với tiềm năng khoáng sản quan trọng, chiến lược, quy mô lớn trên toàn quốc, Việt Nam thuộc nhóm có trữ lượng và tài nguyên bauxit, titan và urani lớn nhất thế giới.
Theo Bộ TN&MT, tính đến năm 2020, cả nước đã khoanh định 48 khu vực cho 10 loại khoáng sản là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Trong đó, titan chiếm tỉ lệ cao nhất là 23 khu vực, với tổng số diện tích là 1.140 km2, phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiếp đó là than nâu, than antraxit với 6 khu vực có diện tích 1.456 km2, trữ lượng 40,732 tỉ tấn; 4 khu vực cát trắng có trữ lượng 1,1 tỉ tấn; 3 khu vực bauxite, trữ lượng 917 triệu tấn; 3 khu vực apatit với diện tích 332 km2, có trữ lượng 1,6 tỉ tấn quặng apatit loại IV. Các khu vực dự trữ khoáng sản còn lại như đá trắng, đất hiếm, chì - kẽm, quặng cromit có trữ lượng không lớn được khoanh định do nằm trong các khu vực có công trình văn hóa, khu vực bảo tồn, khu vực rừng đặc dụng,…
Lan Anh (T/h)