Yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm khai thác, tập kết khoáng sản
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác khoáng sản.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về báo cáo kết quả một năm thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ đê điều.
Cụ thể, tại Công văn số 4456/VPCP-CN, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 24/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh cát.
Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kế hoạch về tăng cường công tác công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi và bảo vệ đê điều; tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra về những vi phạm, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình và việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên, thời kỳ 2011-2018. Theo đó, nhiều vấn đề cấp bách cần được quan tâm, xử lý đã được cơ quan thanh tra nêu ra trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi.
Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành các kết luận thanh tra và nêu ra những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, những vi phạm, bất cập cần phải xử lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục triển khai công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung được kết luận, qua đó biểu dương những địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời, nêu rõ những địa phương không nghiêm túc kiểm điểm, xử lý vi phạm…
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước.
“Điều này chứng tỏ sự buông lỏng quản lý của địa phương. Nếu địa phương không quản lý tốt thì đã không có những doanh nghiệp khai thác trái phép kéo dài như vậy. Theo tôi được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề đó. Nhưng Bộ TN&MT chỉ thực hiện ban hành các chính sách và hướng dẫn thôi, còn trách nhiệm thuộc về địa phương”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chia sẻ, khai thác khoáng sản trái phép sẽ làm lũng loạn thị trường về khoáng sản. Doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản thì cần rất nhiều thủ tục, chi phí và thời gian mới được chấp thuận nhưng "khoáng tặc" lại bỏ qua hết các bước để ăn cắp tài nguyên.
Cũng theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, vấn đề đáng lo ngại nhất chính là môi trường. Bởi khi doanh nghiệp khai thác trái phép sẽ không quan tâm đến môi trường xung quanh. Họ chỉ muốn nhanh chóng khai thác triệt để bất kể ngày đêm để chiếm hữu được tài nguyên. Ngoài ra, hành vi khai thác khoáng sản trái phép sẽ gây bức xúc dư luận.
"Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?", ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Minh Phương