Sau 4 tháng vẫn chưa có kết luận vụ khai thác thạch anh trái phép tại Hà Tĩnh
Dù rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sau 4 tháng, vụ khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có tuyến bài viết về hàng chục hecta đồi núi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn vì nạn “khoáng tặc” khai thác đá thạch anh, hay còn gọi là đá bạc, tại huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Việc khai thác diễn ra trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tối 5/3, Công an huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đã chặn bắt đoàn xe chở đá thạch anh đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc. Ngay sau đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan điều tra truy vết ngay để xử lý những đối tượng khai thác trái phép đá bạc.
Bà Lê Quỳnh Hoa, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sự việc này liên quan đến hành vi phạm tội nên Viện sẽ theo dõi việc xử lý của các ban ngành theo đúng quy định pháp luật.
Chưa có kết luận điều tra
Việc Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đăng tải 11 kỳ liên tiếp phải ánh vụ việc nói trên đã hỗ trợ cho quá trình điều tra của lực lượng chức năng. Vụ việc có hiệu ứng xã hội tốt, góp phần chặn đứng hoạt động khai thác đá bạc trái phép tại khu vực phản ánh.
Tuy nhiên, đến ngày 5/7, sau 4 tháng trôi qua, nhưng hoạt động điều tra của lực lượng chức năng Công an tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có kết quả. Những “khoáng tặc” ngày đêm ăn cắp hàng trăm khối đá bạc của quốc gia vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng.
Được biết, ban đầu vụ việc được Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Xuyên thụ lý điều tra. Song sau đó đã chuyển cho Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Hà Tĩnh) điều tra theo thẩm quyền.
Sáng 5/7, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường liên hệ với Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để nắm thêm thông tin về kết quả điều tra ban đầu về vụ khai thác trái phép đá bạc tại huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, vị này từ chối trả lời về vụ việc.
Tuy nhiên, theo tin mà Phóng viên có được, vụ việc vẫn chưa có kết luận điều tra.
Trước đó, liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện khẳng định, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước. "Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có 'lợi ích nhóm' ở đây hay không?", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Thời hạn điều tra là bao nhiêu ngày?
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự, Công ty luật TAT Law Firm cho biết, quy định tại Điều 172 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 thì thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hạn điều tra không quá 2 tháng và có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 2 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 3 tháng và có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng và lần thứ hai không quá 2 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng không quá 4 tháng và có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không quá 4 tháng và có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Cũng theo vị Luật sư này, hành vi khai thác đá trái phép của các đối tượng đã có dấu hiệu của “Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” được quy định tại Điều 227 BLHS. Mức hình phạt cao nhất của người thực hiện hành vi phạm tội phải đối diện 7 năm tù (đây là định lượng để xác định tội nghiêm trọng). Như vậy đối chiếu với quy định tại Điều 172 BLTTHS thì tới nay đã hết thời hạn điều tra, do vậy nếu cơ quan điều tra không gia hạn điều tra thì đã phải ban hành bản kết luận điều tra.
Luật sư Cường nói thêm, trong sự việc này cũng không loại trừ trường hợp thời gian vừa qua cơ quan công an mới chỉ đang thực hiện thủ tục xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa tiến hành khởi tố vụ án thì thời hạn cho thủ tục này được quy định tại Điều 147 BLTTHS như sau: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
"Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng. Như vậy tổng thời hạn xác minh tin báo cho trường hợp phức tạp nhất cũng chỉ lên tới gần 4 tháng 20 ngày", Luật sư Cường khẳng định.
Ngày 6/4, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản số 06/TN-BCH do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường ký, kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản. Văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.
"Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường – cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có loạt bài phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ diễn ra công khai nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào phát giác, sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan ban ngành đã cho thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương", trích Văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ của VIASEE.
Quỳnh Nguyên