Thứ ba, 10/09/2024 11:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/04/2021 13:00 (GMT+7)

Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến vụ xẻ núi khai thác đá bạc trái phép tại tỉnh Hà Tĩnh, VIASEE vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản.

Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã liên tiếp đăng tải loạt bài viết gồm 11 kỳ về đường dây khai thác đá bạc (đá thạch anh) trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Các bài viết thông tin khách quan, với nhiều cứ liệu xác thực đã “bóc trần” được đường dây xẻ núi, khai thác đá bạc trái phép, tận diệt tài nguyên. Đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh như Công an tỉnh Hà Tĩnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Công an huyện Kỳ Anh… đã nắm bắt được thông tin.

Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng - Ảnh 1
Một trong ba ngọn đồi bị "khoáng tặc" khai thác đá bạc tại Hà Tĩnh. 

Thậm chí, trong quá trình tác nghiệp, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã cung cấp thông tin, phối hợp để lực lượng chức năng bắt giữ nhiều xe tải chở đá thạch anh khai thác trái phép đang trên đường đi tiêu thụ.

Đến nay, sau hơn một tháng kể từ ngày các cơ quan chức năng nắm bắt và vào cuộc, sự việc trên vẫn chưa được xử lý. Chính vì vậy, mới đây, VIASEE đã có văn bản số 06/TN-BCH do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường ký. Kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản. Văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Dưới đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng đăng tải văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của VIASEE.

Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng - Ảnh 2
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong quá trình nghiên cứu vấn đề khai thác, chế biến khoáng sản Bauxite tại Tây Nguyên.

Kính gửi: Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ
                Đồng kính gửi Văn phòng Chính phủ
  

Kính thưa Thủ tướng,

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia hoạch định chính sách pháp luật.

Với kinh nghiệm 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã quy tụ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín hàng đầu về lĩnh vực kinh tế môi trường. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hội luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. 

Tháng 3/2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, đó là khai thác, chế biến khoáng sản Bauxite và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên. Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã chỉ rõ, với trữ lượng khoáng sản Bauxite lớn và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông, chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến Bauxite một cách hiệu quả, đặc biệt khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây không những là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước, mà còn chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Noi theo lời dạy của Hồ Chủ tịch kính yêu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây; Vì lợi ích trăm năm trồng người”; Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã luôn đề cao công tác xây dựng, tập hợp đội ngũ các nhà trí thức nhằm góp phần phụng sự nước nhà một cách hiệu quả nhất. Đối với sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động gần đây, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và các hội viên của Hội hết lòng ủng hộ quyết sách, chỉ đạo của Chính phủ thông qua việc tăng cường thông tin, kêu gọi các hành động thiết thực, phối kết hợp với nhiều bên triển khai các chiến dịch trồng cây xanh. Nhiều năm qua, hoạt động trồng cây Bồ Đề - cây của nhà Phật cũng được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước với mong muốn mang lại một cuộc sống trong lành, khỏe mạnh cho cộng đồng, góp phần lan tỏa thông điệp Cuộc sống Xanh.

Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng - Ảnh 3
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trồng cây Bồ đề tại Chùa Phúc Sen (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng).

Kính thưa Thủ tướng,

Việt Nam may mắn và tự hào khi có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với trên 5.000 mỏ, điểm quặng của 60 loại khoáng sản khác nhau, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Báo cáo từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian qua không ngừng được tăng cường; Pháp luật về khoáng sản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng; Công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả nhất định. Đó là những thành tựu đáng tự hào của ngành Địa chất Việt Nam sau hơn 75 năm hình thành và phát triển.

Song, chúng tôi thật sự đau xót khi khoáng sản – loại tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nhưng đang dần cạn kiệt bởi tình trạng khai thác “nóng”. Điều 4 Nguyên tắc hoạt động khoáng sản của Luật Khoáng sản chỉ rõ: Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương, các loại “khoáng tặc” vẫn hoành hành khắp nơi. Luật Khoáng sản 2010 đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nay, nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản đã được giải quyết. Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã chỉ rõ: “…Hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để…”.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong đó, Luật xác định các thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Điều 4 của Luật cũng chỉ rõ Nguyên tắc bảo vệ môi trường, và nhấn mạnh Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Trong Điều 5, Luật định rõ các Chính sách Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Kính thưa Thủ tướng,

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, các vụ việc xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nam, Bình Định, Bình Phước, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung... Bên cạnh một phần nhỏ lợi ích kinh tế mà các dự án đem lại, thì mối nguy hiểm lớn nhất chính là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để lại hệ luỵ lâu dài… Có thể bắt gặp ở nhiều nơi cảnh tượng những ngọn núi bị xé toạc, cạo trọc nham nhở, màu xanh của núi rừng dần biến mất, nhiều dòng sông, ven biển bị ô nhiễm. Cảnh quan thiên nhiên bị phá nát và chắc chắn không thể phục hồi được. Đáng buồn thay, rừng núi, sông biển là tài nguyên thiên nhiên, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu, lẽ ra phải phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích chung của cộng đồng, nhưng có lúc có nơi, đã dần biến thành của riêng.

Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng - Ảnh 4

Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường – cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có loạt bài phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ diễn ra công khai nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào phát giác, sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan ban ngành đã cho thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương.

Bên cạnh đó, Kết luận Thanh tra mới đây về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018 của Thanh tra Chính phủ cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Như vậy, rõ ràng hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác trái phép còn kéo theo nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, thất thu ngân sách nhà nước, mất rừng, mất an ninh trật sự, xâm phạm hồ đập, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân sở tại… Nhìn thẳng vào từng vụ việc, chúng tôi nhận thấy rằng những hoạt động “xẻ núi, lấp biển” sai trái đó đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân trong vùng dự án và gây ra những hệ lụy lâu dài. Khai thác tài nguyên không gắn liền với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, tận diệt hủy hoại thiên nhiên cũng như đặt lợi ích cá nhân, doanh nghiệp lên trên lợi ích quốc gia thì chắc chắn tính bền vững của một Việt Nam Xanh sẽ bị ảnh hưởng. 

Kính thưa Thủ tướng,

Một nước Việt Nam hùng cường quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi sự bền vững của môi trường! Trước thực trạng trên, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chúng tôi kính kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đưa ra những quyết sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài nguyên, khai thác chui, không giấy phép, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường để hướng đến phát triển bền vững. Chúng ta cần những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giữ lại nguồn lực cho tương lai, khai thác hợp lý tạo nguồn lực làm giàu cho đất nước.

Đặc biệt, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan ban ngành Trung ương tăng cường giám sát, chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương, trong đó có vụ việc khai thác thạch anh trái phép tại tỉnh Hà Tĩnh hiện đang trong quá trình điều tra, xác minh, làm rõ.

Trên đây là một số ý kiến của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kính trình lên Thủ tướng Chính phủ. 

Xin kính chúc Thủ tướng sức khỏe, thành công!

TM Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Chủ tịch, PGS.TS Trương Mạnh Tiến (đã ký)

Bạn đang đọc bài viết Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Phú Thọ chủ động ứng phó với siêu bão số 3
Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi) và mưa lớn do hoàn lưu bão, Công ty Điện lực Phú Thọ đã chủ động, khẩn trương kiểm tra hệ thống lưới điện, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, phương án ứng phó để bảo đảm an toàn cho các công trình điện.

Tin mới

ITE HCM 2024 chào đón nhiều thị trường mới
Bên cạnh các thị trường du lịch trọng điểm như Úc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, khu vực Trung Đông…, lần đầu tiên ITE HCMC 2024 chào đón người mua quốc tế đến từ Brazil, Cộng hòa Czech, Bangladesh, Pakistan.