VKSND tỉnh Hà Tĩnh: ‘Sẽ theo dõi việc xử lý vụ khai thác trái phép đá bạc' (Kỳ 11)
“Sự việc này liên quan đến hành vi phạm tội nên chúng tôi sẽ theo dõi việc xử lý của ban ngành theo đúng quy định pháp luật", bà Lê Quỳnh Hoa, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Mới đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có loạt bài phản ánh tình trạng hàng trăm hecta đồi núi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn vì nạn “khoáng tặc” khai thác đá bạc hay còn gọi là đá thạch anh trên địa phận xã Kỳ Lạc, xã Lâm Hợp huyện Kỳ Anh và phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).
Sau đó, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phối hợp với Công an huyện Cẩm Xuyên bắt giữ đoàn xe chở đá bạc. Khi đó, Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo cơ quan điều tra truy vết để xử lý.
“Sẽ theo dõi việc xử lý của ban ngành”
Sáng 23/4, trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, bà Lê Quỳnh Hoa, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi nắm bắt được vụ việc khai thác đá bạc trái phép trên địa bàn do Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh, đơn vị đã giao đồng chí Phó Viện trưởng cùng Viện KSND huyện Cẩm Xuyên vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin.
“Sự việc này liên quan đến hành vi phạm tội nên chúng tôi sẽ theo dõi việc xử lý của các ban ngành theo đúng quy định pháp luật”, bà Hoa chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Viện trưởng VKSND huyện Cẩm Xuyên xác nhận, sau khi Công an huyện Cẩm Xuyên bắt giữ đoàn xe chở đá bạc, đơn vị đã nắm thông tin và đang phối hợp với cơ quan điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm, kể cả cán bộ, doanh nghiệp liên quan đến hành vi vi phạm. Với tư cách là Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá Lê Khắc Thuyết sẽ ý kiến đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như xã, huyện liên quan đến địa bàn để xảy ra vi phạm.
Có lợi ích nhóm hay không?
Cũng trả lời Kinh tế Môi trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước.
“Điều này chứng tỏ sự buông lỏng quản lý của địa phương. Nếu địa phương không quản lý tốt thì đã không có những doanh nghiệp khai thác trái phép kéo dài như vậy. Theo tôi được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đó. Nhưng Bộ TN&MT chỉ thực hiện ban hành các chính sách và hướng dẫn thôi, còn trách nhiệm thuộc về địa phương”.
"Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?", ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Theo đó, ngày 15/3, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã gửi công văn và đăng ký lịch làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở TNMT Hà Tĩnh về những vấn đề trên. Tuy nhiên, đến nay hai đơn vị này vẫn chưa lên tiếng.
Hiện vụ việc rất được dư luận quan tâm, rất mong các cơ quan tố tụng của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, Bộ ngành trung ương nói chung vào cuộc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh những tiền lệ xấu về sau.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty luật Trường Sa cho biết, cán bộ địa phương là người nắm địa bàn và biết rõ khu vực nào được cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực nào không. Vì thế nếu ở địa phương nào có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì người đứng đầu địa phương, cán bộ công chức được phân công theo dõi lĩnh vực tài nguyên môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên.
Tại Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP về đối tượng bị xử phạt hành chính, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Và nếu xác định cán bộ công chức, cơ quan quản lý có dấu hiệu “làm ngơ” trước hành vi khai thác khoáng sản trái phép thì hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Với tội danh này thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.
Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Tiến Đạt