Thứ năm, 18/04/2024 20:51 (GMT+7)
Thứ ba, 23/03/2021 14:15 (GMT+7)

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Có lợi ích nhóm ở vụ việc khai thác khoáng sản trái phép?' (Kỳ 9)

Theo dõi KTMT trên

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói rằng: "Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không".

Ngày 30 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đã góp phần hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về khoáng sản.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Có lợi ích nhóm ở vụ việc khai thác khoáng sản trái phép?' (Kỳ 9) - Ảnh 1
Khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên và môi trường tự nhiên. Ảnh chụp tại địa điểm khai thác đá bạc ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. 

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường có loạt bài phản ánh tình trạng hàng trăm hecta đồi núi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn vì nạn “khoáng tặc” khai thác đá bạc hay còn gọi là đá thạch anh trên địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đáng chú ý, việc khai thác diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Hành vi này diễn ra cả ngày lẫn đêm, quy mô lớn và hoàn toàn công khai. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước.

“Điều này chứng tỏ sự buông lỏng quản lý của địa phương. Nếu địa phương không quản lý tốt thì đã không có những doanh nghiệp khai thác trái phép kéo dài như vậy. Theo tôi được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đó. Nhưng Bộ TN&MT chỉ thực hiện ban hành các chính sách và hướng dẫn thôi, còn trách nhiệm thuộc về địa phương”.

“Hành vi khai thác trái phép khoáng sản là một hình thức ăn cắp tài nguyên. Nhà nước và địa phương mất nguồn thu còn doanh nghiệp lại tự làm giàu bằng việc đi ăn cắp. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chia sẻ, khai thác khoáng sản trái phép sẽ làm lũng loạn thị trường về khoáng sản. Doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản thì cần rất nhiều thủ tục, chi phí và thời gian mới được chấp thuận nhưng "khoáng tặc" lại bỏ qua hết các bước để ăn cắp tài nguyên.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Có lợi ích nhóm ở vụ việc khai thác khoáng sản trái phép?' (Kỳ 9) - Ảnh 2
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh Internet. 

Cũng theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, vấn đề đáng lo ngại nhất chính là môi trường. Bởi khi doanh nghiệp khai thác trái phép sẽ không quan tâm đến môi trường xung quanh. Họ chỉ muốn nhanh chóng khai thác triệt để bất kể ngày đêm để chiếm hữu được tài nguyên. Ngoài ra, hành vi khai thác khoáng sản trái phép sẽ gây bức xúc dư luận.

"Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?", ông Nhưỡng đặt câu hỏi. 

Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty luật Trường Sa cho biết, cán bộ địa phương là người nắm địa bàn và biết rõ khu vực nào được cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực nào không. Vì thế nếu ở địa phương nào có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì người đứng đầu địa phương, cán bộ công chức được phân công theo dõi lĩnh vực tài nguyên môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên.

Tại Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP về đối tượng bị xử phạt hành chính, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Và nếu xác định cán bộ công chức, cơ quan quản lý có dấu hiệu “làm ngơ” trước hành vi khai thác khoáng sản trái phép thì hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Với tội danh này thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.

Thùy An

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: 'Có lợi ích nhóm ở vụ việc khai thác khoáng sản trái phép?' (Kỳ 9). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới