Thứ sáu, 26/04/2024 18:19 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 10:55 (GMT+7)

Ninh Thuận sắp có thêm trang trại điện gió, loại bỏ khoảng 215.000 tấn CO2/năm

Theo dõi KTMT trên

Dự án trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu với việc bù trừ khoảng 215.000 tấn cacbon dioxit mỗi năm.

Theo xu thế phát triển, nhu cầu năng lượng sẽ ngày càng tăng cao và phát triển năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu. Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết vừa ký gói tài trợ dự án trị giá 107 triệu USD với Công ty Cổ phần Điện gió BIM (Điện gió BIM) để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.

Theo đó, nhà máy điện gió này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu với việc bù trừ khoảng 215.000 tấn cacbon dioxit mỗi năm.

Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp với vai trò bên chủ trì và bảo lãnh chính thức, bao gồm 25 triệu USD từ Quỹ nguồn vốn vay thông thường (OCR) của ADB và 82 triệu USD do ADB thu xếp từ khoản cho vay đối ứng (parallel loan). Khoản cho vay đối ứng sẽ gồm 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hồng Kông (Hong Kong Mortgage Corporation Limited), 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui, 18 triệu USD từ Ngân hàng ING và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United.

Ninh Thuận sắp có thêm trang trại điện gió, loại bỏ khoảng 215.000 tấn CO2/năm - Ảnh 1
ADB tài trợ dự án trị giá 107 triệu USD để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh minh họa)

Ngoài khoản tài trợ tài chính 107 triệu USD nói trên, ADB cũng sẽ quản lý một khoản viện trợ trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ. Khoản hỗ trợ không hoàn lại này sẽ được sử dụng cho các sáng kiến liên quan tới các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường và xã hội, như giảm tác động của bóng tối đối với các cư dân tại khu vực dự án và bảo tồn môi trường sống hoang dã.

Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch, và điều hết sức quan trọng là cần đáp ứng nhu cầu này bằng nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Dự án này là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và công cuộc phục hồi đang diễn ra của Việt Nam nhờ việc mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia và đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng không”.

Trước đó, ngày 20/12, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Hợp đồng tín dụng trị giá 25 triệu USD để tài trợ vốn cho “Dự án phát triển điện gió trên đất liền tại tỉnh Ninh Thuận” với tổng công suất phát điện 88MW.

Theo JICA, nối tiếp "Dự án điện gió trên đất liền tỉnh Quảng Trị" được ký kết vào tháng 5/2021, Dự án này tiếp tục là mô hình mẫu cho việc hình thành các dự án tương tự trong tương lai, thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo do khu vực tư nhân phát triển.

Cho đến nay, JICA đã triển khai các dự án nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam như: Tài trợ theo hình thức Đầu tư tài chính nước ngoài cho “Dự án điện gió trên đất liền tỉnh Quảng Trị”, “Dự án điện mặt trời tỉnh Phú Yên” do ADB tài trợ có sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng Khu vực Tư nhân châu Á với sự góp vốn của JICA; Dự án vốn vay ODA “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo”.

Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Điện gió BIM, ông Đoàn Quốc Huy, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được nhận tài trợ từ một tổ chức tài chính phát triển hàng đầu ở Châu Á cũng như các ngân hàng thương mại quốc tế. Chúng tôi đã rất nỗ lực làm việc cùng với ADB và các bên cho vay khác để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong vấn đề môi trường, xã hội và quản trị. Thành công của giao dịch này giúp hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh hướng tới phát triển bền vững năng lượng sạch ở Việt Nam”.

Được biết, Điện gió BIM thuộc sở hữu của Tổng Công ty ACEN (thông qua công ty con là Công ty TNHH Đầu tư ACEN) và Tập đoàn BIM (thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng BIM, viết tắt là BIMEH). ACEN và Tập đoàn BIM đã và đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2019. ACEN sở hữu 3.700 MW công suất năng lượng đang được vận hành và xây dựng tại Úc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam, với tỉ trọng năng lượng tái tạo chiếm 93%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

Trong khi đó, ACEN là một công ty con của Tập đoàn Ayala, một trong những tập đoàn lớn nhất và đa dạng nhất tại Philippines. Tập đoàn BIM là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo và dịch vụ khách hàng. BIMEH nằm trong số 5 nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu ở Việt Nam, với tổng công suất vận hành gần 800 MW.

Với những tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo, hiện nay tỉnh Ninh Thuận là một trong những tỉnh cơ bản đã lập đầy đủ các quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với dư địa rất lớn; khả năng phát triển điện gió trên đất liền 1.429 MW, điện gió ven biển 4.380 MW, điện gió ngoài khơi 21.000 MW, điện mặt trời 8.448 MW, điện khí LNG 6.000 MW và thủy điện tích năng phát triển 3.600 MW. Tỉnh cũng đã lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố đến năm 2030 (trong đó có bố trí quỹ đất cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng diện tích 8,146 ha).

Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút 51 dự án đầu tư năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với tổng cộng suất 3.262 MW (có 16 dự án điện gió/850 MW và 35 dự án điện mặt trời/2.412 MW); tổng vốn đăng ký 84.176 tỷ đồng. Đây là con số thu hút vốn đầu tư kỷ lục của tỉnh, đưa Ninh Thuận trở thành địa điểm đứng đầu trong phát triển năng lượng tái tạo của khu vực Đông Nam Á. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành 46 dự án/3.078 MW (trong đó: có 35 dự án điện mặt trời/2.412 MW và 11 dự án điện gió/606 MW).

Thùy Dung - Thế Anh

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận sắp có thêm trang trại điện gió, loại bỏ khoảng 215.000 tấn CO2/năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới