Phát triển điện gió trong tiến trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0
Trong bối cảnh thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện tái tạo - vốn được coi là điện sạch - tiếp tục được ưu tiên. Với mức công suất cao nhất 3.386 MW, các nguồn điện gió Việt Nam đã phát đồng thời được đến 85% công suất lắp đặt.
Điện gió đạt mức kỷ lục vận hành với 3.386 MW
Theo quy luật tự nhiên, hàng năm gió mùa Đông Bắc (loại gió có ảnh hưởng lớn tới các nguồn điện gió tại Việt Nam) tràn vào nước ta từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau, nhưng năm nay đến đầu tháng 12, gió Đông Bắc mới bắt đầu hoạt động mạnh. Mặc dù đến muộn, nhưng gió Đông Bắc đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các khu vực tập trung điện gió như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, khiến các nguồn điện gió trên cả nước đồng loạt phát cao, với công suất thường xuyên duy trì ở mức 1500 - 2500 MW và sản lượng điện bình quân đạt xấp xỉ 50 triệu kWh/ngày, cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, trong các ngày 17 và 18/12, hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức tổng công suất phát của các nguồn điện gió thường duy trì trên 3000 MW, đạt cao nhất 3.386 MW vào lúc 15h20 ngày 17/12, (kỷ lục vận hành gần nhất là 3.077 MW vào ngày 5/2/2022). Như vậy, với mức công suất mới này, các nguồn điện gió Việt Nam đã phát đồng thời được đến 85% công suất lắp đặt.
Những tín hiệu tích cực trên đã mở ra thêm những hy vọng vào tương lai phát triển nguồn năng lượng sạch này tại nước ta. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, thách thức trong vận hành nguồn điện này, bởi khi gặp gió quá lớn (thường có tốc độ trên 21-22 m/s), các tuabin sẽ đạt tới giới hạn và phải ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Điều này góp phần gia tăng những khó khăn trong công tác điều độ vận hành hệ thống điện, bởi việc thiếu hụt một lượng lớn công suất do các tua bin gió ngừng vận hành đột ngột sẽ ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện nếu công tác dự báo, giám sát vận hành điện gió không được đầu tư và quan tâm đúng mức.
Thực tế cho thấy trong ngày 17/12, một số nhà máy điện gió tại khu vực Quảng Trị đã gặp tình trạng phải dừng vận hành do tốc độ gió cao hơn giới hạn vận hành của thiết bị. Tuy nhiên, Hệ thống giám sát khí tượng năng lượng tái tạo (được đưa vào sử dụng, chia sẻ thông tin cho các cấp điều độ, các đơn vị quản lý lưới điện để ứng phó với cơn bão Noru hồi cuối tháng 9/2022) đã nhận diện được và đưa ra các cảnh báo cho tình huống này, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý kịp thời và các phương án dự phòng cho các khu vực tiếp theo ở phía Nam bị ảnh hưởng, đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định và an toàn.
Trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đã cam kết tại hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió đang nổi lên như một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Mặc dù Việt Nam đã bổ sung 16.000 MW năng lượng mặt trời kể từ năm 2019, Quy hoạch phát triển điện 8 (PDP8) dự báo rằng không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Giá điện hấp dẫn, điện gió, điện mặt trời bùng nổ
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW. Trong đó, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất toàn hệ thống, chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư.
Tính đến 1/1/2021 - thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời - tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW. Trong đó, nguồn điện mặt trời mặt đất đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW và gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành.
Trong 10 tháng năm 2022, sản lượng năng lượng tái tạo đạt 29,87 tỷ kWh, chiếm 13,2% sản lượng điện toàn hệ thống (trong đó điện mặt trời đạt 22,65 tỷ kWh, điện gió đạt 6,91 tỷ kWh). Đây là mức rất cao so với các nước trong khu vực cũng như thế giới (trung bình là 10%), cao hơn Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.680 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 22/5/2020. Mức giá này vẫn thu hút được lượng lớn nhà đầu tư do chi phí đầu tư điện mặt trời khi đó đã giảm so với giai đoạn trước vì Trung Quốc bán sang với giá rẻ.
Sau khi giá FIT cho điện mặt trời, điện gió hết hạn vào 2020 và 2021, đến nay, cơ chế mới cho lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, quy hoạch điện VIII cũng chưa được phê duyệt. Nhưng các nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ và liên tục tìm các địa điểm mới để chuẩn bị đầu tư khi có chính sách mới.
Trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện cam kết phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, điện tái tạo - vốn được coi là điện sạch - tiếp tục được ưu tiên.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khối đầu tư tư nhân trong các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời góp phần tích cực giải quyết một phần nhu cầu nguồn điện cho việc tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Qua đó cho thấy, các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến nay hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công bước đầu.
Để có cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho giai đoạn tới như cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, cơ chế đấu thầu để vừa thu hút đầu tư, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, đáp ứng các mục tiêu phát triển của ngành Điện.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, thì cơ chế khuyến khích về giá phát điện là một trong giải pháp chính, tạo động lực cho nhà đầu tư phấn đấu thực hiện đầu tư của dự án, trong đó có đầu tư hạ tầng lưới điện đấu nối.
Lan Anh