Những vấn đề môi trường cần đưa vào đề án trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tạp chí Kinh tế Môi trường xin đăng tải bài tham luận với chủ đề "Những vấn đề môi trường cần đưa vào đề án trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam" của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Ngày 7/11, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam" với sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành cùng các nhà khoa học đầu ngành lĩnh vực giao thông, xây dựng...
Tham dự Hội thảo "Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam", về phía Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có sự góp mặt của PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng đã có bài tham luận với chủ đề "Những vấn đề môi trường cần đưa vào đề án trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam". Bài tham luận đã đưa ra những vấn đề tác động môi trường đã có trong dự thảo đề án. Bên cạnh đó, để triển khai quan điểm xây dựng đề án gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đưa ra một góp ý về nội dung này cần lưu ý trong xây dựng đề án ĐSTĐC.
Tạp chí Kinh tế Môi trường xin đăng tải bài tham luận với chủ đề "Những vấn đề môi trường cần đưa vào đề án trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam" của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tháng 10/2023 Ban cán sự Đảng Bộ giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo dung lượng 48 trang kèm theo các phụ lục liên quan để lấy ý kiến góp ý và trao đổi thảo luận cho tiếp tục hoàn thiện đề án này.
Trên cơ sở công văn số 851/LHHVN-TVPB về việc đặt bài tham luận Hội thảo “Lấy ý kiến về Dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam”, tôi có những ý kiến góp ý với chủ đề “Khả năng tác động môi trường đối với xây dựng ĐSTĐC cần đưa vào đề án” như sau.
Những vấn đề tác động môi trường đã có trong dự thảo đề án
Sau khi đọc nội dung đề án ĐSTĐC, đối với những vấn đề môi trường đã được đề cập trong đề án tôi có những nhận xét sau.
Thứ nhất, đối với quan điểm thể hiện ở mục 3.1 trang 20 của dự thảo đề án có nêu “Xây dựng ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam..., gắn liền với...bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...”. Như vậy về quan điểm đã thể hiện được trong đề án là việc thực hiện xây dựng tuyến ĐSTĐC cần phải gắn với BVMT và ứng phó với BĐKH.
Thứ hai, liên quan đến tác động tích cực đối với môi trường trong mục "4. Sự cần thiết đầu tư" thể hiện ở nội dung thứ năm trang 26-27 về “phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh". Trong nội dung luận giải được tác động tích cực của phát triển ĐSTĐC sẽ cho phép giảm CO2 góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0.
Thứ ba, mục "8. Các chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện", đối với nội dung mục "c) chuyển đổi mục đích sử dụng rừng" trang 39-40 đã đề cập tới nội dung ảnh hướng của ĐSTĐC đến các loại rừng và quy định pháp luật liên quan đến chuyển đổi rừng phục vụ xây dựng ĐSTĐC.
Như vậy, những vấn đề môi trường đề cập trong dự thảo đề án ĐSTĐC chưa nhiều, mới nêu một số nội dung liên quan đến quan điểm, hiệu quả tích cực giảm thiểu CO2 và tác động đến diện tích rừng. Dự thảo đề án cần phải bổ sung, hoàn thiện thêm các vấn đề môi trường còn chưa đề cập đến để sau này thiết kế xây dựng có phương án giải quyết hiệu quả nhằm BVMT.
Một số góp ý về nội dung môi trường cần lưu ý trong xây dựng đề án ĐSTĐC
Để triển khai quan điểm xây dựng đề án gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, một số nội dung sau đây cần lưu ý:
Thứ nhất, sử dụng đất. Cần xem xét và lồng ghép nội dung sử dụng đất và ảnh hưởng tới chuyển đổi mục đích sửa dụng đất, nhất là phạm vi ranh giới liên quan đến đất nông nghiệp, đất trồng lúa đã được đưa vào quy hoạch trong quy hoạch tổng thể sử dụng đất quốc gia. Vấn đề khai thác sử dụng đất để xây dựng đường cao tốc.
Thứ hai, liên quan đến nguồn nước. Đối với nguồn nước, nhất là thoát nước, mặc dù đưa ra phương án xây dựng 60% chiều dài là cầu, 10% chiều dài là hầm xuyên qua khu vực địa hình rừng núi phức tạp, còn 30% chiều dài là nền đất. Do ĐSTĐC được xây dựng chạy dọc đất nước, địa hình nước ta dốc từ Tây sang Đông, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung khi xây dựng thiết kế đường sắt sẽ hình thành như đoạn đê cao, nguy cơ ngăn nước lưu thông, nhất là về mùa mưa là rất lớn, do vậy trong đề án cần lưu ý vấn đề này để có phương án xây dựng thoát nước hiệu quả.
Thứ ba, vấn đề rừng và đa dạng sinh học. Trong đề án mới đề cập chủ yếu tới rừng, chưa đề cập đến đa dạng sinh học, vấn đề này cần lưu ý, nhất là tuyến ĐSTĐC chạy qua các khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn sẽ ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, có thể cắt ngang đường di cư và sự di chuyển của động vật, do vậy cần xem xét kỹ để có phương án xử lý phù hợp khi tiến hành xây dựng
Thứ tư, vấn đề ô nhiễm. Ô nhiễm không khí trong quá trình tiến hành xây dựng đường sắt cũng cần phải đề cập đến, nhất là đào lấp, khoan, nổ mìn, vận chuyển đất đá qua các khu dân cư, trường học bệnh viện...cần phải được nêu lên trong đề án để có phương án xử lý phù hợp. Ô nhiễm tiếng ồn khi xây dựng và nhất là sau khi xây dựng xong, ĐSTĐC đi vào vận hành đối với các khu dân cư có đường sắt đi qua cũng cần có phương án trong đề án ĐSTĐC.
Thứ năm, những vấn đề xã hội nảy sinh. Trong đề án cũng cần có những nội dung liên quan đến môi trường xã hội, mặt tích cực và mặt tiêu cực của vấn đề xã hội trong quá trình xây dựng và sau khi đi vào vận hành đối với ĐSTĐC.
Thứ sáu, vấn đề thích ứng với BĐKH và thiên tai. Trong nội dung của dự thảo đề án ĐSTĐC cũng đã đề cập đến vấn đề BĐKH và thiên tai, tuy nhiên cần làm rõ nội dung thích ứng với BĐKH và thiên tai đối với quá trình xây dựng và đi vào vận hành sau này của ĐSTĐC rõ ràng và cụ thể hơn, như vậy quá trình thực hiện quy hoạch và thiết kế xây dựng sẽ có căn cứ thực hiện thuận lợi hơn.
Thứ bảy, vấn đề cảnh quan. Việc thực hiện xây dựng ĐSTĐC sẽ làm thay đổi cảnh quan rất lớn, do vậy trong để án cũng cần phải lưu ý tới nội dung này, cụ thể thay đổi cảnh quan theo hướng tích cực và tiêu cực như thế nào cần chỉ rõ trong đề án.
Tóm lại, dự thảo đề án ĐSTĐC đã phần nào đề cập tới vấn đề môi trường, nhất là từ quan điểm xây dựng đề án. Tuy nhiên, nội dung trong dự thảo đề án chỉ mới thực hiện được một số vấn đề liên quan đến môi trường, do vậy cần nghiên cứu bổ sung thêm những vấn đề môi trường còn thiếu trong đề án ĐSTĐC tới đây để đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ cho những vấn đề cần bảo vệ môi trường.