Những hình ảnh minh chứng về biến đổi khí hậu khiến thiên tai khốc liệt hơn
Khô hạn, nắng nóng cực đoan, cháy rừng, lũ quét, mưa bão, gió và lốc xoáy…, hàng loạt những thảm họa thiên nhiên bất thường lần lượt diễn ra trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu.
Đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua làm nhiều con sông bị vỡ bờ, gây ngập lụt diện rộng ở Tây Âu, làm khoảng 1.300 người mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi. Đặc biệt, nhiều tuyến đường bị phong tỏa, sạt lở nhiều cây cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông vận tải và đặc biệt là công tác cứu hộ.
Thiệt hại nặng nề về kinh tế và con người do những trận lũ lụt này là một lời nhắc nhở cho các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.
Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở đất nước này trong gần một thế kỉ qua. Toàn bộ các thị trấn ở miền Tây nước này ngập trong nước. Trong khi đó, đường ray và nhiều tuyến đường bị hư hại nghiêm trọng do mưa lũ và ngập lụt. Trận mưa lũ nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 173 người tại Đức.
Trong những ngày qua, các đám cháy gần như không suy giảm ở nhiều nơi tại Hy Lạp, trong đó dữ dội nhất là cháy rừng trên đảo Evia, hòn đảo lớn thứ 2 của Hy Lạp nằm ngoài khơi phía Đông phần đất liền của Athens. Khói bốc lên từ đám cháy che khuất ánh nắng mặt trời giữa thời tiết nóng nhất mà Hy Lạp từng ghi nhận trong 30 năm qua. Vụ cháy rừng tàn phá đảo Evia là một phần trong chuỗi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra bởi hành vi con người.
Đầm phá Suesca, một địa điểm du lịch nổi tiếng gần Bogota không có phụ lưu và phụ thuộc vào dòng chảy của mưa. Hạn hán nghiêm trọng trong nhiều năm trong khu vực cũng như nạn phá rừng và xói mòn xung quanh đã làm giảm hoàn toàn diện tích mặt nước nơi đây.
Lưu vực sông Parana và các tầng chứa nước liên quan của nó cung cấp nước uống cho gần 40 triệu người ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà môi trường nhận định, mực nước sông giảm nghiêm trọng là do biến đổi khí hậu, giảm lượng mưa, nạn phá rừng và sự phát triển của nông nghiệp.
Siêu bão nhiệt đới Harvey xảy ra trong năm 2017 đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho thành phố Houston. Lượng mưa quá lớn đã khiến khu vực này ngập trong nước lũ. Nhiều ngôi nhà một tầng tại Houston đã bị nước lũ ngập lên cả mái, khiến người dân phải trèo cả lên mái nhà lánh nạn, cầu cứu.
Nghiêm trọng hơn, bão Harvey đã tàn phá hệ thống hạ tầng giao thông, nhấn chìm nhiều tuyến đường huyết mạch, buộc 2 sân bay chính ở Houston phải đóng cửa.
Trận mưa lũ “nghìn năm có một” kéo dài tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) mới diễn ra đã khiến hơn 7,5 triệu dân chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, 56 nạn nhân thiệt mạng và hơn 1,5 triệu người phải sơ tán. Thiệt hại ước tính lên tới hơn 10 tỉ USD.
Theo đó, Đài Khí tượng tỉnh Hà Nam đã liên tục phát đi cảnh báo màu đỏ - mức báo động cao nhất về mưa lớn. Không chỉ thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh này bị mưa lũ tàn phá, hàng loạt địa phương khác như An Dương, Hạc Bích, Tân Hương... lượng mưa cũng đang đều ở mức báo động nghiêm trọng.
Cháy rừng hoành hành khắp miền Tây nước Mỹ và Canada, trong đó có một đám cháy “quái vật” đã kéo dài hai tuần ở bang Oregon, đã gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến tận thành phố New York ở bờ Đông nước này. Khói bụi đã tạo ra bầu trời mơ hồ ở New York khi các đám cháy khổng lồ phun khói và tro vào không khí thành các cột cao tới 6 dặm.
Lan Anh