Thứ năm, 02/05/2024 21:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/09/2023 10:03 (GMT+7)

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Một số bãi tắm ở Quảng Ninh xuất hiện bùn đen khiến nhiều người dân lo lắng đến chất lượng môi trường du lịch và vấn đề nuôi trồng hải sản...

LỜI TÒA SOẠN

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.

Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội.

Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...

Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn Quảng Ninh.

Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.

Mặt khác, tuyến bài cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách tại tỉnh Quảng Ninh có cái nhìn tổng thể về hiện tượng này, nếu có ảnh hưởng thì kịp thời cảnh báo, khắc phục, tuyên truyền để giữ vững là một trong những địa phương phát triển vững mạnh trên mọi mặt trận.

Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra

Tiếp tục quá trình khảo sát, đánh giá, nhóm phóng viên đã có mặt tại Xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), nơi đây có khoảng 2km dọc theo bờ biển Vịnh Bái Tử Long.

Phải nói rằng, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi giúp địa phương thu hút được nhiều dự án du lịch, người dân có cơ sở vật chất tốt hơn, đời sống tinh thần cũng được cải thiện. Bờ biển dài, người dân cũng được hưởng lợi nhiều từ thủy hải sản trong đó cả đánh bắt lẫn nuôi trồng.

Tiếp xúc với PV, ông Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long chia sẻ, riêng nuôi trồng thủy sản, địa phương chủ yếu tập trung phát triển các mặt hàng như hàu, ngao và các loại cá nước lợ, biển. Tuy nhiên, vài năm qua, do bệnh dịch Covid-19 cũng như thời tiết, khí hậu biến đổi, người dân gặp nhiều khó khăn trong nuôi trồng, đánh bắt. Minh chứng rõ nhất là sản lượng hải sản nuôi trồng hằng năm của địa phương này có dấu hiệu sụt giảm.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 1
Một trong những bãi đổ thải của dự án KĐT Ao Tiên nằm sát ven biển nhìn ra Vịnh Bái Tử Long mà phóng viên đã ghi lại.

Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi: Liệu có một mối liên quan nào đó giữa việc sử dụng đất đá thải mỏ với ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng hay không? Ông Ninh khẳng định, chính quyền chưa ghi nhận cũng như nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về việc này. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng luôn kiểm tra sát sao công tác bảo vệ môi trường biển.

Như vậy, việc dùng đá đá thải mỏ làm vật liệu san lấp có tác động ngay tới môi trường thì người dân và chính quyền địa phương chưa có ghi nhận nào cụ thể.

Hành trình tiếp, chúng tôi đi dọc theo cửa biển là Thị trấn Cái Rồng, trung tâm huyện lỵ, nơi sầm uất nhất của huyện Vân Đồn.

Tại đây, ông Bùi Văn Hường, Chủ tịch UBND Thị trấn Cái Rồng cho biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn khoảng hơn 20ha. Cũng theo ông Hường, vừa qua, do chính sách của tỉnh về chuyển đổi dùng phao xốp nên nhiều hộ bỏ nghề. Nguyên nhân là do vật liệu mới có giá cao hơn, người dân không có tiền để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Đánh giá về môi trường biển, ông Hường cho rằng nguồn nước vẫn đảm bảo để người dân khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, về lâu dài thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước không ai nói trước được.

Ông Hường chia sẻ, trước đây từng 28 năm công tác tại huyện đảo Cô Tô mới chuyển về Thị trấn Cái Rồng. Theo chủ trương của tỉnh, Cô Tô cũng thí điểm sử dụng đất đá thải mỏ vào dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, theo ông Hường, sau một thời gian, việc này đã phải dừng lại. Nguyên nhân bởi sau khi san lấp từ đất đá thải mỏ, bị sóng đánh, nước than ngấm ngược ra biển làm chết cây cối xung quanh. Sau thí điểm, dự án đã phải sử dụng lại đất đá thông thường để san lấp, triển khai dự án.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 2
Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có nhiều huyện, lị giáp biển.

Như vậy, từ thực tế Cô Tô như ông Hường chia sẻ, liệu việc ô nhiễm này có đang âm thầm từng ngày diễn ra tại các dự án khắp Vân Đồn, TP Cẩm Phả và cả TP Hạ Long hay không!?

Nếu như, cây cối chết có thể nhìn bằng mắt thường, thì những tác động âm thầm tới môi trường, sinh vật biển… ai đong đếm được. Và khi nào thì nó sẽ diễn ra.

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Ngọc Thắng (trú tại khu 7, thị trấn Cái Rồng) cho biết, là người dân bản địa, nên thông tin các dự án như Khu đô thị Ao Tiên hay Nam Sơn sử dụng đất đá thải mỏ lượng lớn để san lấp mặt bằng là có diễn ra.

Anh Thắng nhận định, việc sử dụng đất đá thải mỏ vào mục đích san lấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường từ việc các chất axit có trong than, xít ngấm qua các mạch nước ngầm, thải ra môi trường biển.

Theo anh Thắng, hiện tại gia đình đang nuôi trồng ngao, hàu trên Vịnh Bái Tử Long. Từ khi các dự án triển khai san lấp, nước cũng trở lên đục hơn, nổi váng đen.

“Trên thực tế, chúng tôi nuôi và bán ra thị trường cũng chưa có kiểm định về chất lượng nên không rõ thế nào. Nhưng bằng mắt thường cũng thấy là con hàu nuôi tại khu vực gần dự án có sử dụng đất đá thải mỏ sẽ có màu đen hơn bình thường. Còn về sản lượng cũng có sụt giảm”, anh Thắng cho hay.

Cũng theo người dân này, do đa phần là nuôi trồng nhỏ lẻ, nên cũng chỉ biết nuôi và ghi nhận thực trạng vậy thôi, chưa phản ánh hay thông gì tới chính quyền cũng như doanh nghiệp.

Biển xanh, nắng vàng và… cát đen

Thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho Quảng Ninh một bờ biển dài, nước trong xanh với vô vàn hòn đảo lớn, nhỏ tạo nên một di sản Vịnh Hạ Long được UNESCO tiếp tục công nhận lần thứ 2 mới đây.

Để thu hút du khách, vài năm trở lại đây, hàng loạt đại dự án nghỉ dưỡng có bãi biển nhân tạo đi kèm được phát triển tại tỉnh này. Tuy nhiên, đi dạo qua một vài bãi biển nhân tạo ở Quảng Ninh, du khách sẽ cảm thấy nuối tiếc nhiều hơn là hào hứng.

Có mặt tại xã Đông Xá (huyện Vân Đồn), nhóm phóng viên chứng kiến hình ảnh một dự án Khu đô thị Phương Đông đang dần hiện ra với những hình ảnh quảng cáo mỹ miều với biển xanh, cát trắng, nắng vàng… Nhưng thực tế thì sao?

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 3
Du khách đi dạo bãi biển và tìm hiểu cách người dân khai thác Sá Sùng tại bãi tắm KĐT Phương Đông.

Được biết, dự án này cũng có vị trí đắc địa khi gần như nằm chính giữa khu kinh tế Vân Đồn, chạy dài và có tới ba mặt giáp biển, hướng thẳng ra Vịnh Bái Tử Long. Dự án bao gồm: Tổ hợp nhà ở thấp tầng, khách sạn 5 sao và các tiện ích vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí ven biển với tổng diện tích 176ha.

Hiện nay, tuy chưa hoàn thành, nhưng bãi biển nhân tạo của khu đô thị này vẫn mở cửa tự do để người dân vào tắm, tham quan. Không mỹ miều như trên ảnh, khắp bãi biển nhân tạo này chỉ có một lớp cát mặt mỏng.

Khi phóng viên chỉ cần lấy tay xới nhẹ, bên dưới lộ ra những lớp dày cát, bùn màu đen, bốc mùi vô cùng khó chịu. Càng đào sâu bên dưới, lớp cát càng có màu đen đặc quánh. Sau khi tay, chân tiếp xúc với lớp cát này thì nổi mẩn ngứa, đen kịt, rửa rất nhiều lần bằng xà phòng mới sạch.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 4
Theo một số người khai thác sá sùng, nguồn sản vật này ngày một ít đi tại khu vực này.

Có mặt đúng thời điểm chúng tôi đi khảo sát chị Th., một người dân khai thác Sá Sùng tại đây cho biết, bãi biển này trước đây vốn là bãi triều tự nhiên. Khi nước lên, nơi đây là bãi neo đậu thuyền. Và khi thủy triều rút, trở thành nơi khai thác sá sùng của người dân.

“Từ ngày doanh nghiệp đổ loại đất cát xuống làm bãi biển nhân tạo, nước rất nặng mùi và sá sùng ít hẳn đi. Chúng tôi chỉ thấy họ mang đất cát đổ xuống chứ không biết là thứ gì nhưng sá sùng ít hẳn đi, cũng ảnh hưởng tới thu nhập. Được cái, do họ vẫn mở cửa cho ra vào tự do nên tôi vẫn vào để đào sá sùng thôi”, chị Th. cho hay.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 5
Sá sùng được đào lên cùng với cát đen tại khu vực bãi tắm KĐT Phương Đông.

Trong khi đó, gia đình 5 người chị V. từ Thái Bình qua Quảng Ninh du lịch cho hay, không chủ đích vào đây để tắm mà do nhìn thấy biển quảng cáo miễn phí nên vào tham quan.

“Nhìn từ xa tôi tưởng rất sạch đẹp, nhưng tới gần thì không được ổn cho lắm. Đi chân đất một đoạn mà đen sì cả chân, có mùi như cây cối bị ngâm lâu năm dưới nước. Nếu tới đây chỗ này thành bãi tắm du lịch, tôi nghĩ sẽ không quay lại vì không an tâm”, chị V chia sẻ.

Được biết, trước đó, có liên quan tới dự án này, năm 2021, một loạt cán bộ xã Đông Xá đã bị kỷ luật vì để doanh nghiệp đổ đất cát lấn biển vượt ranh giới lên tới 1,6ha. Cụ thể, các cán bộ là ông Nguyễn Thành Sang (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Xá), Phạm Văn Thùy (Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá) và Phạm Ngọc Sơn (cán bộ địa chính xã Đông Xá) đã bị kỷ luật vì “mắt nhắm, mắt mở” để doanh nghiệp vi phạm.

Cũng trong thời điểm này, người dân xã Đông Xá, đã yêu cầu làm rõ hành vi lấn chiếm bãi triều, hủy hoại nguồn lợi thủy hải sản của chủ dự án KĐT Phương Đông. Cuối cùng, doanh nghiệp này bị xử phạt hành chính với số tiền 100 triệu đồng, đồng thời khôi phục lại nguyên trạng phần diện tích lấn chiếm trái phép.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 6
Bãi tắm cộng đồng tại Cột 8 phường Hồng Hà ghi nhận lớp bùn đen, nước mưa chảy từ trên bờ cuốn theo lượng nước đen ra phía biển.

Trở lại thành phố Hạ Long, Nhóm Phóng viên cũng ghi lại được nhiều hình ảnh tương tự tại bãi tắm Cột 8 thuộc địa phận phường Hồng Hà (TP.Hạ Long). Khi thủy triều rút xuống, phía xa của bãi biển lộ ra lượng lớn cát mỏng có màu tối. Dùng tay gạt tầm vài cm, một lớp bùn đen hiện ra có mùi khó chịu. Đặc biệt, những hôm trời mưa, nước chảy thành dòng đen kịt từ bãi cát rồi hòa mình vào Vịnh Hạ Long.

Theo nhiều người dân khu vực này chia sẻ, bãi tắm có sử dụng đất đá thải mỏ và được đổ một lớp cát biển lên trên. Tuy nhiên, phía gần bờ phần cát dày và trắng. Càng xuôi về phía dưới thì lượng cát mỏng và có nhiều lớp cát màu đen, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy được.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 7
Lớp cát biển mỏng được phủ lên nhưng chỉ cần dùng tay cào nhẹ sẽ lộ ra lớp bùn đen. Nhiều người bị ngứa tay và bụi than bám vào tay khi tắm biển khu vực này.

Theo tìm hiểu, đây là bãi tắm nhân tạo đầu tiên tại khu vực thị xã Hòn Gai (nay là TP.Hạ Long), chính thức đi vào phục vụ cộng đồng dịp 30/4/2021. Bãi tắm có tổng chiều dài 900 mét, với bãi thoải khoảng 90 mét. Một số thông tin cho biết, thời điểm này, để xây dựng dự án, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Liên quan đến câu chuyện một số khách du lịch phản ánh cát và nước tại khu vực bãi tắm Cột 8 có màu đen, Phóng viên có liên hệ với lãnh đạo phường Hồng Hà và được giới thiệu lên làm việc với cơ quan cấp trên.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 8
Nhiều du khác lo ngại trước thông tin khu vực này được dùng đất đá thải mỏ để san nền rồi đổ cát lên phục vụ người dân xuống tắm.

Trở lại câu chuyện bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh, thông qua chủ trương dùng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng. Có thể thấy, việc này mới giải quyết được một khía cạnh nhỏ là “giải cứu” được các bãi thải quá tải – vốn là hệ lụy của quá trình khai thác than lộ thiên.

Về khía cạnh giảm tải khai thác đất đá tự nhiên san lấp, chưa rõ tỉnh đã và sẽ có thống kê, cân nhắc ra sao. Nhưng nhìn về thực tế môi trường, môi sinh, sự ủng hộ của người dân… dường như đang có những vấn đề cần kịp thời xem lại.

Nên chăng, địa phương cần đánh giá, tổng kết lại những điểm thí điểm. Từ đó, điều chỉnh lại chủ trương, sao cho vừa phát triển kinh tế, thúc đẩy ngành du lịch, những cũng quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 9
Chất lượng nước ở những bãi tắm cũng khiến người dân và du khách lo lắng.

Bàn về tính khoa học, lý luận trong sự việc đang tìm hiểu, phản ánh từ người dân, chính quyền trên, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đem tới trao đổi cùng với TS Bùi Quang Tề (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I).

TS Bùi Quang Tề cho rằng, việc đổ đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình dự án ven biển tại Quảng Ninh cần phải được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, tránh những hệ lụy tiêu cực.

Theo ông Tề, trước khi sử dụng đất đá thải mỏ để lấp mặt bằng các công trình dự án ven biển chúng ta cần phải phân tích xem trong đất đá thải mỏ đó có những chất nào? Có chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường hay không? Nếu sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp thì ở mức độ nào thì sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, đến hệ sinh thái ven biển, đến hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như cuộc sống của người dân?.

Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4) - Ảnh 10
TS Bùi Quang Tề đang đánh giá chất lượng hải sản sau khi được người dân đánh bắt lên bờ.

Thực tế, cho đến nay chưa có cơ sở khoa học hoặc nghiên cứu khoa học nào đánh giá về sự nguy hại, tác động của việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng vào san lấp công trình, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lấn biển. Chính vì vậy, ông Tề cho rằng, cần thiết phải thành lập một hội đồng khoa học, đánh giá tác động môi trường của việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp lấn biển.

"Sau khi phân tích, nghiên cứu và đưa ra được những con số cụ thể, chúng ta mới có thể đánh giá sự việc một cách khách quan và khoa học. Từ đó, mới quyết định có nên sử dụng tiếp đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, lấn biển hay không. Những vấn đề liên quan đến môi trường cần phải được xem xét kỹ lưỡng, tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai", TS Bùi Quang Tề phân tích.

Khi chúng tôi thực hiện khảo sát, đánh giá bằng khoa học kinh tế môi trường của tuyến bài này, chúng tôi đã và đang tiếp tục liên hệ với các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh để cùng phối hợp, đưa ra những thông tin chuyên sâu hơn. 

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả mẫu phân tích mẫu nước được lấy tại các vị trí như KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long) cho thấy Cả hai mẫu nước đều bị ô nhiễm theo cột B, thậm chí mẫu lấy từ KĐT Dragon City (Cẩm Phả) ra kết quả theo cột D - độ pH 8,8 (theo  QCVN 08:2023/BTNMT). Có nhiều  kết quả phân tích hàm lượng cao nhưng không quy định trong QCVN.

Lưu ý đây mới chỉ là kết quả từ việc lấy mẫu độc lập và cần phải có thêm các mẫu phân tích khác để cùng đưa ra kết quả chuẩn xác. Việc làm này khiến cho môi trường của tỉnh Quảng Ninh được trong, xanh, sạch, đẹp và bền vững cho tương lai. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói riêng và nhà khoa học trong lĩnh vực này nói chung.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Nhóm Phóng viên

Bạn đang đọc bài viết Những hiện tượng bất thường ban đầu đã... lộ ra ở bãi tắm tại Quảng Ninh (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.