Thứ sáu, 22/11/2024 02:46 (GMT+7)
Thứ hai, 18/09/2023 10:10 (GMT+7)

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh-Góc nhìn từ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

LỜI TÒA SOẠN

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.

Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội. Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...

Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn Quảng Ninh.

Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.

Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi.

Bài 1:

Phát triển kinh tế bền vững ở Quảng Ninh và những lo lắng khi có hiện tượng san, lấp bằng đất đá thải mỏ

Được biết, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội nói chung, kinh tế biển, du lịch biển nói riêng. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng địa phương này vẫn còn đó những thách thức cần được giải đáp.

Điểm nhấn kinh tế biển

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36-NQ/TW), Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 27/3/2019. Theo đó, Quảng Ninh đặt nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển bền vững và tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh-Góc nhìn từ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản - Ảnh 1
Bình minh trên Vịnh Lan Hạ - Cát Bà (Ảnh:NSNA Vũ Hải)

Về định hướng Chiến lược, Quảng Ninh đề ra đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; Công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; hình thành ba trung tâm nghề cá trọng điểm gắn với vùng nuôi trồng thủy sản và ngư trường trọng điểm, phát huy lợi thế chiến lược để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ cho phát triển kinh tế biển; đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương phát triển kinh tế mạnh, bền vững về kinh tế hàng hải; hình thành trung tâm dịch vụ hàng hải khu vực Đông Bắc của Việt Nam.

Sáng 15/9, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với sự tham dự của đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn, Hiệp hội, Hội doanh nghiệp... 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; xã hội hóa công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.. Qua đó, các đại biểu đề xuất với Ban soạn thảo Dự thảo Luật các giải pháp quản lý minh bạch và hiệu quả trong khai thác khoáng sản; chính sách thuế, phí khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ để thu hồi tối đa khoáng sản; thủ tục hành chính trong hoạt động khoáng sản...

Ngành Du lịch Quảng Ninh có bước tiến quan trọng, diện mạo được thay đổi nhanh chóng. Quảng Ninh đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh; ưu tiên nguồn vốn vay cho đóng tàu đánh bắt xa bờ. Du lịch biển đảo Quảng Ninh đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Trong tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh có khoảng 70% tham gia các tour tuyến biển đảo. Quảng Ninh đã và đang mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo như Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long, Cái Chiên. Trong đó, Quảng Ninh ưu tiên xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp, độc đáo, chất lượng cao có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong 8 tháng năm 2023, Quảng Ninh đón 12,06 triệu lượt du khách, gấp 1,47 lần cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 875.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, trong quý III năm 2023, Quảng Ninh sẽ đón khoảng 4,13 triệu khách, doanh thu du lịch đạt 9.800 tỷ đồng và 9 tháng sẽ đón gần 13 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng. Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 2/9, Quảng Ninh đã đón được 380 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế ước khoảng 24.500 lượt, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Và mới đây nhất, đêm 16/9 (giờ Việt Nam), vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh và quần đảo Cát Bà thuộc TP.Hải Phòng chính thức được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây sẽ là động lực rất lớn để Quảng Ninh tiếp tục phát triển du lịch.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Theo thông tin từ Nhóm Phóng viên tìm hiểu được, quy mô nền kinh tế Quảng Ninh tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển giai đoạn 2019-2022 là 117.189 tỷ đồng, chiếm 85,1% tổng thu nội địa toàn tỉnh Quảng Ninh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển giai đoạn này đạt 26.376 tỷ đồng; trong đó du lịch và dịch vụ biển chiếm tỷ trọng 32,01%, kinh tế hàng hải 31,55%, công nghiệp ven biển 35,8%.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh-Góc nhìn từ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản - Ảnh 2
Một dự án nằm sát Vịnh Bái Tử Long đang được được triển khai làm mặt bằng. (Ảnh: Nguyễn Cường)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu". Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.

Để giải quyết những vấn nạn về môi trường, Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo rà soát, đánh giá, nhận định những tiêu cực, tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường. Quảng Ninh đã phân định rõ nhiệm vụ trong quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước; quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đất đai; quản lý, cải thiện chất lượng không khí. 

Từng nhấn mạnh trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết: Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW để xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh-Góc nhìn từ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản - Ảnh 3
Quảng Ninh có nhiều dự án nằm sát biển được quy hoạch trong thời gian vừa qua. (Ảnh: Nguyễn Cường)

Theo đó, Quảng Ninh tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: tăng cường quản lý tổng hợp, liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và phát huy tiềm năng, lợi thế của biển. Bên cạnh đó, nhiệm vụ được đặt ra là phát triển kinh tế biển gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển; gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Chuyên gia kinh tế) đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội mà Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Quảng Ninh là tỉnh có diện tích rộng lớn, nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế cũng như kết nối vùng, đồng thời có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển kinh tế biển.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh-Góc nhìn từ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản - Ảnh 4
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội mà Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua.

Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250 km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quảng Ninh còn là trung tâm kinh tế mạnh trong chiến lược biển Việt Nam và trong chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt - Trung, trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, nằm trong khu vực trung chuyển giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á- Đông Nam Á.

Với bờ biển trải dài, rộng, Quảng Ninh có nhiều ngư trường khai thác hải sản chất lượng cao, ổn định. Ngư trường nằm xung quanh các đảo nên rất dễ dàng trong việc khai thác.

Ven biển Quảng Ninh có nhiều khu vực nước sâu, kín gió, là lợi thế vượt trội để xây dựng phát triển hệ thống cảng biển lớn, có năng lực bốc xếp cho tàu lên đến hàng vạn tấn. Nhờ đó mà tỉnh có thể khai thác tiềm năng, phá triển mạnh ngành giao thông vận tải đường biển, tăng cường giao lưu trao đổi với các vùng kinh tế trong nước và Quốc tế.

Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch biển. Tỉnh sở hữu hơn 600 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên như rừng, núi, sông hồ, biển đảo... Nổi bật nhất phải kể đến là Vịnh Hạ Long - hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời là một trong 07 kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Quảng Ninh đã ghi dấu ấn lên bản đồ du lịch thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bè bạn Quốc tế.

“Rõ ràng, khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế biển sẽ giúp Quảng Ninh cất cánh trong tương lai gần. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần lưu ý đến công tác bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn toàn vẹn cảnh quan thiên nhiên. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học là xu thế tất yếu”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Với những quyết tâm và định hướng đúng đắn của người đứng đầu, Quảng Ninh đã bứt phá và đạt được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện có một số vấn đề mà cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng khi UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng tại một số dự án, công trình trên địa bàn huyện Vân Đồn, TP.Cẩm Phả, TP.Hạ Long…Việc này cũng khiến người dân bất an về những vấn đề môi trường sẽ tác động đến biển, đến sinh kế và sức khỏe của khách du lịch tắm biển và người dân.

Theo ý kiến người dân, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào làm cơ sở khoa học đánh giá về sự nguy hại, tác động của việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng vào san lấp công trình, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lấn biển ven vịnh Bái Tử Long.

Ngoài ra, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng có thể gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước vì thực tế trong đất đá, sỉ thải mỏ còn có nhiệt lượng có thể sử dụng vào các lĩnh vực sản xuất khác như: Nhiệt điện, xi măng, nung vôi.

Bàn về tính khoa học, nhiều nhà khoa học đã cùng lên tiếng và có nhiều góc nhìn khác nhau. Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới Quý bạn đọc về vấn đề này!

Một số dự án đã dùng đất đá thải mỏ

Trong 2 năm gần đây, Bộ TN&MT đã thống nhất, giải quyết khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ cho 4 dự án với khối lượng khoảng 12,4 triệu m³. Đó là: Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty CP Than Núi Béo phục vụ thi công đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc phục vụ thi công dự án khu du lịch, dịch vụ Bái Tử Long; Bãi thải Suối Lại của TKV phục vụ các dự án công trình dân dụng và đô thị trên địa bàn TP Hạ Long; Bãi thải Nam Tràng Bạch (Tổng Công ty Đông Bắc) phục vụ thi công dự án đường ven sông đoạn Uông Bí - Đông Triều.

Nhóm Phóng viên

Bạn đang đọc bài viết Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh-Góc nhìn từ Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.