Ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản
Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật khác có liên quan, kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả.
Bộ TN&MT vừa ra Quyết định số 965/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trong đó, Cục Địa chất Việt Nam có trách nhiệm chủ trì xây dựng, đánh giá tác động của chính sách; đánh giá tác động thủ tục hành chính; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về địa chất; tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản phần địa chất theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Kịp thời xin ý kiến, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật.
Theo Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật khác có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Đồng thời, kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.
Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm chất lượng xây dựng văn bản, đúng tiến độ theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và của Bộ TN&MT.
Trước đó, góp ý về kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, TS Hoàng Văn Khoa - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Cục Địa chất Việt Nam xem xét bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển bởi đây là lĩnh vực có đặc thù riêng, không như trên đất liền; bổ sung hoạt động điều tra địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D) - lĩnh vực gắn với địa chất đô thị, địa chất công trình, địa chất thủy văn; xem xét địa chất viễn thám và vũ trụ, bay đo địa vật lý, công tác nghiên cứu địa chất khoáng sản là lĩnh vực của hoạt động điều tra địa chất.
Theo ThS Đỗ Thị Yến Ngọc - Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Khoáng sản và Thông tư số 50/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT đã quy định đủ mức chi tiết với điều tra cơ bản di sản địa chất, công viên địa chất.
Tuy nhiên, cần đối chiếu với các quy định tại các Luật: Bảo vệ môi trường, Du lịch, Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và văn bản dưới Luật để áp dụng trong trường hợp chúng thuộc về các đối tượng điều tra quy định tại các Luật và văn bản dưới Luật của các Luật này.
Lan Anh