Thứ năm, 28/03/2024 16:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/09/2022 17:29 (GMT+7)

Triển khai xây dựng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

Theo dõi KTMT trên

Sáng 9/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chủ trì Hội thảo xây dựng "Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Thứ trưởng cho biết, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ TN&MT đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo này là dịp để các đại diện các Bộ, ngành trao đổi, thảo luận, góp ý về dự thảo Chiến lược; đồng thời đề ra định hướng phát triển nhằm đảo bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch khoáng sản với chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Triển khai xây dựng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cụ Địa chất vầ Khoáng sản Việt Nam, để triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phân công Tổng cục khẩn trương thực hiện các nội dung gồm: Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; lập, phê duyệt, triển khai Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng và tổng kết việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 để xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Khoáng sản.

Đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và phân công Vụ Địa chất xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiến tới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.

Ông Lại Hồng Thanh chia sẻ thêm, tất cả các nội dung của dự thảo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát của dự thảo chiến lược là hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000 vùng nước sâu; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và dự trữ quốc gia. Ngoài ra, thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2050 đối với các khoáng sản: than, urani, titan-zircon, đất hiếm, apatit…; đầu tư công nghệ thăm dò, khai thác, chế biển khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển. Bên cạnh đó, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Phó Tổng Cục trưởng Lại Hồng Thanh cũng chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của dự thảo Chiến lược gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng; tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro, hạn chế các dự án đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và hợp tác quốc tế trong điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã góp ý cho dự thảo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các ý kiến tập trung đề nghị rà soát lại các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, cũng như định hướng phát triển; xem xét bổ sung nhiệm vụ trên cơ sở căn cứ vào ngân sách Nhà nước; phân rõ các nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư, vốn đầu tư thường xuyên hay có khả năng xã hội hóa cao; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ của chiến lược.

Nhiều kết quả khả quan sau 10 năm triển khai Chiến lược khoáng sản

Về khoáng sản phóng xạ (urani), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về trữ lượng khi thăm dò quặng urani tại Pà Lừa-Pà Rồng (Quảng Nam). Hiện chưa tiến hành nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến quặng urani để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử mà Chiến lược đã đặt ra do đang tạm dừng triển khai xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận.

Đối với khoáng sản kim loại, cụ thể với quặng titan-zircon, mục tiêu về thăm dò đã đạt được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi Chiến lược đã đặt ra kế hoạch thực hiện tại khu vực Lương Sơn (tình Bình Thuận) và xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan (rutil nhân tạo, pigment, titan xốp, titan kim loại).

Với quặng bô-xít, công tác thăm dò các mỏ bô-xit vùng Tây Nguyên, Bình Phước cơ bản hoàn thành với trữ lượng quặng bô-xit cơ bản đáp ứng xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến lâu dài. Đồng thời, công tác thăm dò đã hoàn thành xây dựng, vận hành 2 tổ hợp khai thác bô-xit-alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) với công nghệ sản xuất alumin thuộc loại tiên tiến và bắt đầu hoạt động có hiệu quả là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô đầu tư trong thời gian tới; về chế biến chuyên sâu, đã triển khai nghiên cứu khả thi nhà máy sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.

Với quặng đất hiếm, đã hoàn thành thăm dò các mỏ Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái). Tuy nhiên, các dự án khai thác, chế biến quặng đất hiếm tại mỏ Đông Pao (dự kiến năm 2019) có sản phẩm tinh quặng không đạt và đang tạm dừng hoạt động, chưa gắn kết được đầu tư chế biến sâu đất hiếm...

Đối với khai thác, chế biến quặng đồng, đã hoàn thành đầu tư và vận hành đồng bộ tổ hợp khai thác-tuyển quặng đồng tại mỏ đồng Sinh Quyền, Tà Phời và nhà máy luyện đồng kim loại tại Bản Qua, Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với quy mô công nghiệp, công nghệ tầm cỡ khu vực, không xuất khẩu quặng đồng.

Các loại khoáng sản như chì - kẽm, mangan,... các mỏ có tiềm năng về cơ bản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, tuy nhiên phần lớn các mỏ đang được khai thác, chế biến ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến công nghệ sạch để tiết kiệm và hạn chế thải ô nhiễm.

Đối với khoáng sản không kim loại, cụ thể là khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, các mỏ đá vôi, đã sét đã thăm dò đủ trữ lượng để khai thác theo quy hoạch. Với nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho sản xuất xi măng hiện nay trung bình khoảng 110 triệu tấn đá vôi/năm, 21 triệu tấn đất sét/năm và 15 triệu tấn phụ gia cho sản xuất xi măng/năm thì trữ lượng và năng lực khai thác, chế biến hiện hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ ngành sản xuất xi măng trong 20-25 năm tới. Ngành công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng của Việt Nam phát triển nhanh chóng, sản lượng tăng gấp 2 lần sau 10 năm đưa Việt Nam vào danh sách top 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga).

Đinh Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Triển khai xây dựng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.